Nhắc người lạ kém duyên trong thang máy, tôi nhận cái kết bất ngờ
Tôi là một người văn minh, cũng muốn người khác có cách cư xử văn minh, lịch sự giống mình, đặc biệt là ở nơi công cộng. Thế nên, khi nhìn thấy những hành vi chướng mắt, tôi thường lên tiếng nhắc nhở mặc dù không phải lúc nào lời nhắc nhở ấy cũng được tiếp thu với thái độ cầu thị.
Tôi làm nhân viên văn phòng trong một tòa nhà 35 tầng. Các tình huống oái oăm dễ gặp nhất là ở trong thang máy.
Chứng kiến chuyện "chướng tai gai mắt" trong thang máy, tôi không kiềm được mà lên tiếng nhắc nhở (ảnh minh họa: PX)
Vào mỗi sáng sớm hoặc giờ tan tầm, khi ai cũng muốn chen bằng được vào chiếc thang máy chật ních người để kịp chấm công, kịp về nhà... thì 1001 chuyện dở khóc dở cười sẽ xảy đến.
Một buổi sáng đến công ty, tôi bấm thang máy lên tầng 16. Khi thang máy dừng lại ở tầng 5 đón khách, một nhóm chị em 4 người bước vào. Có lẽ, họ vừa ăn xong bữa sáng vì trong miệng mỗi người vẫn đang ngậm một cây tăm.
Nhóm người bước vào thang máy, nói chuyện oang oang và cười hô hố với nhau. Chiếc thang máy chật hẹp đang chứa cả chục người, ai nấy đều lịch sự đeo khẩu trang, giữ im lặng, tiếng nói cười của 4 phụ nữ bỗng phá vỡ không gian bình yên ấy.
Đợi khi một vài người bước ra, thang máy rộng rãi hơn, tôi nhắc nhở nhóm người ấy: “Các chị vào thang máy thì im lặng hoặc nói chuyện nhỏ thôi. Với các chị nên đeo khẩu trang vào”.
4 người nhìn tôi với ánh mắt hình viên đạn khiến tôi trong phút chốc lầm tưởng, người vừa vô duyên, mất lịch sự là mình chứ không phải họ. Một người trong số đó đáp trả: “Thang máy của nhà chị à?”, rồi tiếp tục cuộc trò chuyện ầm ĩ với hội chị em.
Tôi không bất ngờ với phản ứng đó. Bởi lẽ, nếu họ biết ngại và ý thức được việc mình làm là sai thì ngay từ đầu đã không như vậy.
Một lần khác, thang máy cũng chật ních người. Thang dừng ở tầng 1, dù đông đúc và sắp quá tải, hai thanh niên to béo vẫn cố bước vào.
Những lần thang dừng trả khách, mặc dù người ở trong nói rất to: “Cho em ra nhờ”, hai thanh niên vẫn không nhúc nhích. Khi người ở trong cố gắng tìm đường ra, hai thanh niên lại loay hoay tìm một chỗ đứng khác trong thang máy, chỉ dành ra một kẽ hở rất nhỏ để người ở trong len ra ngoài.
Tôi thật ngao ngán trước tình cảnh ấy. Chỉ đơn giản đứng ra ngoài để người ở trong bước ra một cách thoải mái, rồi mình lại vào thang đi tiếp mà không hiểu sao họ không làm được.
Tôi không kiềm chế được mà nhắc nhở: “Hai bạn cứ ra ngoài cho người ở trong ra trước. Đứng chắn cửa thế thì thang máy kẹt mất”. Kết quả, tôi nhận được cái lườm cháy mặt.
Rất nhiều lần như vậy, khi thì tôi nhắc chuyện nói to trong thang máy, lúc thì tôi nhắc đừng xô đẩy nhau giành suất vào thang, có lúc tôi lại nhắc chuyện bớt gọi điện “buôn dưa lê” khi vào thang máy...
Một cô em đồng nghiệp thường đi ăn trưa với tôi, nhiều lần chứng kiến tôi nhắc nhở người khác và bị phản ứng ngược, đã nói với tôi: “Sao chị không cho qua đi, dù sao cũng chỉ đứng trong thang máy ít phút. Chị nhắc nhở khiến người ta không vui, rồi bản thân lại bị lườm nguýt”.
Tôi nói đùa: “Đến em cũng thấy chị ngứa mồm hả?”. Cô em bảo: “Không phải chị ngứa mồm mà em thấy chị nhắc nhở thừa thãi, chỉ tốn nước bọt. Có thay đổi được gì đâu”.
Câu nói ấy khiến tôi ngẩn ngơ suy nghĩ. Rồi cô em lại nói: “À, chị không thay đổi được họ nhưng đã thay đổi được em. Trước đây, em cũng hay nói chuyện điện thoại oang oang trong thang máy nhưng từ khi nghe chị nhắc nhở người khác, em lại tự rút kinh nghiệm”.
Tôi bật cười: “Đó. Ai bảo chị không thay đổi được ai?”.
Quả thực, nhiều khi tôi cũng nghĩ mình đang làm việc thừa thãi. Nhưng một sự việc diễn ra gần đây khiến tôi thay đổi suy nghĩ.
Hôm đó, tôi đến tham dự sự kiện ở một tòa nhà mấy chục tầng. Vào thang máy cùng tôi là một cậu trai ngoài 20 tuổi, không đeo khẩu trang. Từ lúc bước vào, thanh niên này liên tục ngáp ngủ, hắt xì, hà hơi mà mùi hơi thở không hề dễ chịu.
Khi chỉ có hai chị em trong thang máy, tôi nhỏ lời nhắc nhở: “Em ơi, vào thang máy nên đeo khẩu trang vào. Em ngáp ngủ, hà hơi như vậy sẽ ảnh hưởng đến người khác”.
Khác với mọi khi, tôi không bị lườm nguýt, cũng không bị nghe lời chua tai. Cậu em chỉ nhỏ lời: “Vâng ạ”.
Trùng hợp thế nào, tôi gặp lại cậu ấy trong sự kiện. Cậu ấy cũng có vẻ ngỡ ngàng khi thấy tôi rồi đợi đến cuối buổi lại gần tôi bắt chuyện.
Cậu trai bảo: “Lúc bị chị nhắc trong thang máy, em ngại quá nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy mình vô duyên thật. Cảm ơn chị đã góp ý cho em”.
Cậu ấy là sinh viên, ban ngày ngoài giờ học còn đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, đêm về thì thức khuya học bài nên sáng ra thường ngáp ngắn ngáp dài. Từ lời nhắc nhở của tôi, cậu ấy ý thức hơn về việc phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Sau lần ấy, tôi có thêm một cái tên trong danh sách bạn bè. Tôi cũng gạt luôn suy nghĩ việc nhắc nhở người khác cư xử văn minh, lịch sự là “lắm mồm”, “thừa thãi”... Tôi tin rằng, những hành động đẹp dù là nhỏ bé cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn lao.
Có điều, tôi sẽ cố gắng tế nhị hơn trong việc nhắc nhở để không gây nên những phản ứng tiêu cực.
Lời nhắc 'chị ơi, chân chống xe' của người lạ đã cho tôi bài học quý giáLời nhắc nhở của một người đi đường, không quen biết đã trở thành bài học cuộc sống theo tôi suốt chặng đường sau này.