Văn hóa vươn mình trong kỷ nguyên mới
(Tổ Quốc) - Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa là cội nguồn sức mạnh, là nền tảng tinh thần vững chắc để dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, định hình bản sắc và khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Nay, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững, văn hóa không chỉ là di sản mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội và xây dựng bản sắc quốc gia hiện đại.
Ngày 31/10/2024, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi trao đổi với các cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã định nghĩa, kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội - văn hóa- chính trị- tự nhiên. Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khoá XV khẳng định, văn hoá là nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước, điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội.
Ngược dòng lịch sử, trong kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, văn hóa đều đóng một vai trò, sứ mệnh vô cùng quan trọng, tiên phong. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về tầm quan trọng của Văn hóa: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". 75 năm sau đó, cũng vào ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Nhiệm kỳ 2021-2025 có thể được xem là một giai đoạn "chuyển mình" đối với ngành Văn hóa khi chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng một phương châm "Quyết liệt hành động- Khát vọng cống hiến". "Nhờ đó mà chưa bao giờ văn hóa nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương như hiện nay"- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần khẳng định.
"Sau gần 95 năm tiến hành công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước; dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển đột phá kỳ diệu, những kỷ nguyên vẻ vang: kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930- 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975- 2025); và bây giờ, chúng ta bước vào kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của các dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại, Đại hội XIV của Đảng", Trích tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" ngày 15/11/2024.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng đã khẳng định, văn hóa là nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước, điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, một chương trình với tư duy vượt nhiệm kỳ và được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ đưa lĩnh vực văn hóa sang một trang mới, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ra đời như một cú hích chiến lược, một bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại mới. Đây là sự đầu tư về tài chính, trí tuệ, sáng tạo và tâm huyết cho một nền văn hóa không ngừng đổi mới, bền vững và hội nhập.
Song song đó, nhiều bộ luật: Di sản văn hóa, Điện ảnh, Phòng, chống bạo lực gia đình… được sửa đổi, ban hành; Hay như việc hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao tầm nhìn đến năm 2045...
Hành trình này không chỉ đơn thuần hướng tới việc bảo vệ di sản mà còn mở rộng cánh cửa cho sáng tạo, khuyến khích những giá trị văn hóa mới, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực quốc gia, song hành cùng sự phát triển toàn diện của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.
Đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc đánh giá toàn diện về "bức tranh" của ngành nhằm đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa trong giai đoạn 2022-2023 tại các địa phương cũng đã có những thay đổi tích cực, thể hiện qua việc phân bổ ngân sách ngày càng được chú trọng. Dự toán ngân sách trong hai năm này của nhiều tỉnh, thành phố dành cho lĩnh vực văn hóa đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn hơn đối với văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại những điểm sáng trong chặng đường phát triển của ngành Văn hóa kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng và đáng tự hào để có một tâm thế tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên mới, văn hóa không chỉ là di sản mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội và xây dựng bản sắc quốc gia hiện đại. Điều đó đòi hỏi toàn ngành Văn hóa cũng cần tiếp tục có những sự chuyển mình để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.
Có thể thấy rằng, văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là hạt nhân thắp sáng bản sắc và hồn cốt của một đất nước đang vững vàng trên con đường phát triển. Vai trò của văn hóa trong giai đoạn này không chỉ đơn thuần là yếu tố phản ánh đời sống xã hội mà còn là chất keo kết nối con người Việt Nam lại với nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung về một quốc gia văn minh, phát triển và độc đáo.
Khi bước vào kỷ nguyên mới, văn hóa phải trở thành một trong những yếu tố quyết định để khẳng định vị thế và bản sắc của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đầu tư vào văn hóa không chỉ dừng lại ở những giá trị truyền thống mà còn mở rộng ra những lĩnh vực sáng tạo, hiện đại, giúp đất nước tận dụng tối đa sức mạnh mềm trong quá trình phát triển.
Để văn hóa thật sự vươn mình, cần có một chiến lược toàn diện, từ xây dựng thể chế, chính sách đến khuyến khích mọi người cùng tham gia sáng tạo và bảo tồn.
Những bước chuẩn bị cần thiết trong lĩnh vực này đòi hỏi một nền tảng chính sách và luật pháp vững chắc, linh hoạt và hướng đến sự phát triển bền vững. Thể chế, với vai trò dẫn đường, tạo môi trường thuận lợi để các hoạt động văn hóa phát triển, là chất xúc tác khơi dậy sức mạnh sáng tạo của cộng đồng, bảo tồn bản sắc dân tộc và thúc đẩy sự hội nhập văn hóa sâu rộng với thế giới.
Một hệ thống thể chế cho phát triển văn hóa mạnh mẽ, toàn diện là đôi cánh giúp văn hóa vươn cao, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và là ánh sáng dẫn đường cho dân tộc đi tới tương lai.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cam kết xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại phiên thảo luận ngày 26/10/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa là công cụ xây dựng sức mạnh mềm quốc gia, khẳng định bản sắc dân tộc, định vị vị thế của đất nước và là cầu nối đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
Tuy vậy, văn hóa, thể thao và du lịch là lĩnh vực liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương nên chỉ một mình nỗ lực của ngành Văn hóa là chưa đủ. Muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần phải có sự đồng hành của toàn xã hội để văn hóa thực sự phát triển, phát huy được vai trò, sức mạnh mềm trong sự phát triển chung của đất nước.
Xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh của dân tộc không phải trong ngày một ngày hai và không phải trách nhiệm của riêng bộ, ngành nào mà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Chỉ khi cả dân tộc cùng chung tay đoàn kết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, "soi đường quốc dân đi" mới có thể góp phần tạo thế và lực để chúng ta tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào... bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.