VN Ngày Nay
Văn hóa là động lực phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới
18-12-2024 10:41 toquoc.vn / Xem trang gốc

(Tổ Quốc) - PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định, trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới.

Sáng 18/12, tại trụ sở Chính phủ, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành VHTTDL với chủ đề "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước

Tại Hội nghị, trình bày tham luận với chủ đề: "Văn hóa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Thời cơ – Thách thức – Một số việc cần làm ngay", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa là linh hồn, cốt lõi định hình bản sắc dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nền tảng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc Việt Nam.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành VHTTDL

Về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước trong kỷ nguyên mới, khiến cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi hệ thống các giải pháp về chính sách, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực.

Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên cơ sở hướng tiếp cận tổng thể và hệ thống, bao gồm nhiều vấn đề tương tác và có mối liên quan mật thiết đến nhau như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các kỹ năng toàn diện về kinh doanh, quản trị, năng lực sáng tạo; xây dựng cơ chế tài chính, cơ chế pháp lý, phát triển các chương trình giáo dục, đào tạo và các mạng lưới làm việc, phát triển công chúng...

Các hoạt động này mang tính tổng thể, đòi hỏi sự hợp tác giữa những bộ ngành khác nhau và liên quan đến tất cả các đối tác công và tư. Một cách tiếp cận chiến lược tổng thể là cần thiết, bao gồm sự cải tổ trong giáo dục, kỹ năng, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thương hiệu, thị trường và sự tích hợp với các ngành có liên quan khác.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn thực hiện được điều này cần phải cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhưng bên cạnh đó, đòi hỏi phải có sự thay đổi hay cải cách những vấn đề về thể chế pháp luật liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hóa như những vấn đề tài chính, đầu tư cho văn hóa, lao động và nguồn nhân lực văn hóa, thuế sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát triển doanh nghiệp văn hóa... Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức truyền thống của xã hội cũng như của những bộ ngành khác và chính quyền địa phương về văn hóa.

"Công việc trước mắt cần thực hiện là sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các Bộ, ban ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ thứ hai là ban hành những chính sách hỗ trợ việc chuyển những đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp những dịch vụ và sản phẩm văn hóa cần được thực hiện mạnh hơn giai đoạn trước", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương kiến nghị.

Chính sách ưu đãi sẽ tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật thăng hoa

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, sự đầu tư và hỗ trợ từ phía Nhà nước, không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn là những biện pháp khuyến khích tinh thần sáng tạo, bảo trợ nghệ sĩ và tạo điều kiện để những tài năng văn hóa, nghệ thuật phát huy tối đa khả năng của mình.

Đầu tư cho văn hóa không chỉ dành cho các ngành nghệ thuật như Hội họa, Âm nhạc, Điện ảnh... mà còn là xây dựng nền tảng giáo dục, để từ đó nuôi dưỡng ý thức về văn hóa cho mỗi người ngay từ khi còn nhỏ.

Chính sách khuyến khích như giảm thuế cho các tổ chức nghệ thuật, tạo lập quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, trung tâm nghệ thuật công cộng... là những biện pháp quan trọng giúp nâng cao đời sống văn hóa của xã hội, đồng thời tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật thăng hoa.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Quang cảnh hội nghị

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, tăng cường đầu tư cho văn hóa với sự cân bằng trong định hướng: đầu tư theo định hướng thị trường và đầu tư theo định hướng trợ cấp dịch vụ công. Nhà nước cần đầu tư vào những lĩnh vực nền tảng như củng cố hạ tầng thông tin và đào tạo, hỗ trợ pháp lý, tín dụng, đất đai và các cơ chế ưu đãi khác để thúc đẩy sự đổi mới và nội lực trong sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thúc đẩy sự cố kết, tương tác cùng có lợi của hệ sinh thái văn hoá. Nhà nước quan tâm hơn nữa và hỗ trợ cho hệ thống dịch vụ văn hóa công cộng, phi lợi nhuận, những loại hình văn hóa có tính sáng tạo và có giá trị nghệ thuật, giá trị xã hội cao.

"Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ./.