Ô nhiễm làm nóng hành tinh do nhiên liệu hoá thạch sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại
(Tổ Quốc) - Theo CNN, một báo cáo mới đây dự báo tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh do nhiên liệu hoá thạch sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại.
"Mức cao nhất mọi thời đại"
Thông tin này đang làm tan vỡ hy vọng nỗ lực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch sẽ hạn chế hành tinh ấm lên vào năm 2024.
Trong nhiều năm, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được tượng trưng bằng một con số: 1,5. Kể từ khi các quốc gia nhất trí vào năm 2015 về tham vọng hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, con số này đã trở thành biểu tượng cho việc ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Lyondell Basell Houston vào ngày 14/6/2024 tại Houston, bang Texas. Ảnh: Brandon Bell/Getty Images
Báo cáo mới đây cho thấy vấn đề ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng lên 37,4 tỷ tấn trong năm nay, tăng 0,8% so với năm 2023. Lượng khí thải toàn cầu từ than, dầu và khí đốt đều được dự báo cũng sẽ tăng.
Báo cáo này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo toàn cầu họp tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijain.
Báo cáo nêu rõ tính cấp thiết là rõ ràng, năm nay "gần như chắc chắn" sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử và đã chứng kiến những cơn bão liên tiếp, lũ lụt thảm khốc và hạn hán nghiêm trọng.
Đầu tháng này, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu ngày 7/11 cũng ghi nhận năm 2024, Trái Đất gần như chắc chắn sẽ nóng nhất từ trước đến nay. Và lần đầu tiên, năm 2024, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,5 độ C (2,7 độ F) so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
"Những tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhưng chúng ta vẫn chưa nhận được tín hiệu khẳng định việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã đạt đến đỉnh điểm", ông Pierre Friedlingstein, Giáo sư về khí hậu tại Đại học Exeter, người đứng đầu nghiên cứu được Global Carbon Project, một tập đoàn các nhà khoa học, công bố hôm 12/11.
Trong khi nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ lệ lớn gây ra ô nhiễm làm nóng hành tinh thì vẫn còn nguyên nhân chính khác gây ra ô nhiễm chính là nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất của con người, điển hình là nạn phá rừng. Theo báo cáo, lượng khí thải sẽ tăng mạnh vào năm 2024, do hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng liên tục xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Tôi nghĩ rằng bản chất không ngừng của sự nóng lên này là điều đáng lo ngại", ông Carlo Buontempo, Giám đốc của Copernicus cho biết.
Ông Buontempo chỉ ra rằng việc vượt quá ngưỡng nóng lên 1,5 độ C (2,7 độ F) trong một năm là khác với mục tiêu được thông qua trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Mục tiêu cốt lõi của Thỏa thuận Paris là cố gắng hạn chế tình trạng nhiệt độ vượt mức 1,5 độ C (2,7 độ F) kể từ thời kỳ tiền công nghiệp cũng như ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với nhân loại.
Mức giới hạn khí hậu có thể tiếp tục vượt khung
Thống kê cũng ghi nhận một số thông tin tích cực hơn: lượng khí thải sẽ giảm ở Mỹ và Châu Âu trong khi lượng khí thải của Trung Quốc cũng đang chậm lại, thậm chí có thể giảm trong năm nay, nghiên cứu dự đoán.
Tuy nhiên, lượng khí thải giảm ở các nước này lại bị bù đắp bởi sự gia tăng ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ.
Theo báo cáo, tổng lượng ô nhiễm khí hậu toàn cầu sẽ đạt 41,6 tỷ tấn trong năm nay, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm 2023.
Sự gia tăng này có vẻ không lớn, nhưng nó khiến thế giới đi chệch hướng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố vào tháng 10 cho biết lượng khí thải carbon toàn cầu đang dần ổn định và đã nêu ra khả năng chúng có thể giảm trong năm nay.
Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch cần phải giảm khoảng 1/2 trong thập kỷ này để hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5 độ C, ngưỡng mà các quốc gia đã cam kết cố gắng duy trì dưới mức này trong thỏa thuận khí hậu Paris.
Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động thảm khốc. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng ở mức 1,5 độ, nó bắt đầu vượt quá khả năng thích nghi của con người và thế giới tự nhiên. Chính những điều này sẽ có khả năng gây ra các điểm tới hạn khí hậu tàn khốc.
Nhân loại đã trải qua 12 tháng vượt quá mức giới hạn khí hậu quan trọng này. Các nhà khoa học hiện bày tỏ lo ngại mức giới hạn khí hậu có thể tiếp tục vượt khung trong thời gian dài hơn. Nghiên cứu hôm 12/11 ước tính rằng với tốc độ phát thải hiện tại, khoảng 50% khả năng thế giới sẽ liên tục vượt ngưỡng 1,5 độ trong khoảng 6 năm tới.
Báo cáo ghi nhận một số công ty và chính phủ đã nhấn mạnh việc loại bỏ carbon là một cách quan trọng để giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng công nghệ hiện tại chỉ loại bỏ được khoảng một phần triệu lượng ô nhiễm carbon do nhiên liệu hóa thạch tạo ra.
"Thời gian đang cạn kiệt, đồng thời nói thêm rằng các nhà lãnh đạo thế giới họp tại COP29 phải thực hiện cắt giảm nhanh chóng và sâu rộng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch", nhà khoa học Friedlingstein nói./.