VN Ngày Nay
Đông Nam Á đặt ra các thách thức về hệ thống chăm sóc sức khoẻ
11-11-2024 21:53 toquoc.vn / Xem trang gốc

(Tổ Quốc) - Ở Đông Nam Á, chi phí tăng cao và khó khăn về tài chính đang đe dọa đến hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Theo trang SCMP, mặc dù Fah - một y tá đang làm việc ở một bệnh viện công miền đông Thái Lan đã dành cả thập kỷ cống hiến với nghề nhưng bà cho biết vẫn chưa được tăng lương lần nào kể từ khi làm việc.

Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện của bà hàng ngày đã tăng gấp đôi - khiến bà và các đồng nghiệp phải căng mình hết sức có thể.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Ảnh minh hoạ. Nguồn: SCMP

Tình huống như y tá Fah cho thấy một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe rộng lớn tại Đông Nam Á đang diễn ra. Khi khu vực này đang chật vật với tình trạng dân số già hóa và hậu quả dai dẳng từ đại dịch Covid-19 thì các hệ thống y tế công cộng đang phải chịu áp lực lớn trước tình trạng điều trị chậm trễ và nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân.

Trong nhiều thập kỷ qua, chương trình bảo hiểm y tế toàn dân đã trở thành nền tảng xã hội ở các nước Đông Nam Á, chủ yếu được tài trợ thông qua đóng góp an sinh xã hội.

Chương trình "chăm sóc sức khỏe 30 baht" tiên phong của Thái Lan, được triển khai vào năm 2002, hứa hẹn khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giá cả phải chăng cũng như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo tại bệnh viện với mức giá dưới 1 đô la Mỹ cho mỗi lần khám. Đây được xem là một thành tựu lịch sử vào thời điểm đó. Nhưng khi nhu cầu tăng cao, chính phủ phải chịu áp lực ngày càng lớn để duy trì sáng kiến này trong dài hạn.

Trong khi đó, Indonesia, nơi có dân số đông nhất trong khu vực nhưng lại có nguồn nhân lực ít, cũng triển khai bảo hiểm y tế quốc gia vào năm 2014. Philippines đã ban hành luật bảo hiểm y tế toàn dân 5 năm sau đó.

Vấn đề đặt ra là hàng chục triệu người dân ở cả hai quốc gia này vẫn phải chật vật trước vấn đề an sinh xã hội, đẩy ngân sách chăm sóc sức khỏe vào tình trạng bấp bênh.

Tại Singapore, thành viên giàu nhất của ASEAN, dự kiến chi tiêu cho y tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024 so với một thập kỷ trước, do xã hội đang già hóa nhanh chóng.

Hỗ trợ AI

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đã gợi ý rằng trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò giảm chi tiêu cho người bệnh. Với kế hoạch sử dụng robot chẩn đoán, các bác sĩ hy vọng rằng các rủi ro sức khỏe sẽ được phát hiện sớm, thuốc được kê đơn và bệnh nhân được hướng dẫn theo lối sống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng cách, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh hiếm gặp.

"Một bước đi đúng hướng là hệ thống bệnh viện phải xóa bỏ mức tăng giá trên các mặt hàng chăm sóc quan trọng dành cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp", ông Ritu Jain, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu bệnh teo biểu bì bóng nước (Epidermolysis bullosa) của Singapore, một nhóm hỗ trợ cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp khiến da bị phồng rộp khi chạm nhẹ, đôi khi gây tử vong.

Việc kiểm soát tình trạng này đòi hỏi phải băng bó vết thương suốt đời, không được bảo hiểm tư nhân trợ cấp hoặc chi trả, và có thể tốn từ 200 đến 3.000 đô la Singapore mỗi tháng.

Áp lực gia tăng trong hệ thống y tế

Những thách thức về chăm sóc sức khỏe là cấp bách nhất đối với các quốc gia đông dân ở Đông Nam Á, nơi nhu cầu chăm sóc hiệu quả gần như quá sức chịu đựng.

Indonesia, với quần đảo rộng lớn, phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thu hẹp khoảng cách chăm sóc sức khỏe đối với 275 triệu công dân.

Sự chênh lệch về sức khỏe ngày càng gia tăng, chi tiêu cá nhân cao và áp lực trước tỷ lệ mắc bệnh lao cao đã đưa hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước này đến gần khủng hoảng vào năm 2014.

Điều này, cùng với những vấn đề nghiêm trọng đang cản trở khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhiều người dân Indonesia, đã thúc đẩy chính phủ thành lập Jaminan Kesehatan Nasional, một chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của đất nước, vào cuối năm 2014.

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến năm 2023, gần 96% dân số - khoảng 267 triệu người - đã đăng ký tham gia chương trình. Nhưng vẫn còn một rào cản đáng kể: ít nhất 54 triệu người được xác định không tham gia. Số lượng người không tham gia bảo hiểm chủ yếu là những người không hưởng lương làm việc trong các khu vực phi chính thức hoặc các doanh nghiệp nhỏ không đóng góp vào quỹ an sinh xã hội.

Trước đại dịch, Indonesia đã phân bổ 113,6 nghìn tỷ rupiah (7,3 tỷ đô la Mỹ) cho chăm sóc sức khỏe. Con số này tăng vọt lên 312,4 nghìn tỷ rupiah trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2021, sau đó giảm xuống còn 188,1 nghìn tỷ vào năm 2022. Năm nay, ngân sách y tế được đề xuất là 187,5 nghìn tỷ.

Các nhà quan sát cảnh báo rằng sự xói mòn của hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng có thể dẫn đến hệ lụy rằng nơi các bệnh viện có ít nguồn lực nhất, được điều hành bởi những nhân viên được trả lương thấp nhất, phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất.

Tại Malaysia, các bác sĩ đã lên tiếng về những lo ngại này. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tình trạng xuống cấp của các bệnh viện, nơi mái nhà bị dột thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng chăm sóc tại các phòng khám và khoa.

Tại một cơ sở ở miền bắc Malaysia, một bác sĩ kể lại rằng họ phải dựa vào túi nhựa dùng trong thực phẩm để lưu trữ mẫu vật do thiếu kinh phí mua vật tư y tế phù hợp.

Bác sĩ cho biết việc tái sử dụng các dụng cụ dùng một lần đã trở thành "một sáng kiến phổ biến" là giải pháp cuối cùng cho đội ngũ nhân viên y tế chỉ để trang trải./.