Hà Nội: Nhiều sự kiện hấp dẫn, kích cầu thị trường vào 'mùa vàng' mua sắm
(Tổ Quốc) - Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm theo sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra thiếu hàng, sốt hàng...
Nhiều sự kiện hấp dẫn kích cầu thị trường
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2024 ước đạt 6.358 tỷ đồng, tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 17,31% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.
Tính chung 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành ước đạt 61.412 tỷ đồng, thực hiện 82,60% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,13% so với tháng trước, bình quân 10 tháng tăng 1,85%
Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.
Hà Nội tung ra nhiều chương trình mua sắm hấp dẫn vào tháng 11 này.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục giữ đà tăng. Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa phục hồi chưa cao.
Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm theo sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra thiếu hàng, sốt hàng...
Bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, điểm mới của chương trình khuyến mại năm 2024 là phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, thông minh, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, góp phần vào bình ổn giá hàng hóa, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn nhất năm như "Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản"; "Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp"; "Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ"; "Sự kiện không dùng tiền mặt", "Hà Nội đêm không ngủ"... Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện Tháng khuyến mại Hà Nội với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại cùng mức giảm giá 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại.
Khơi thông thị trường, khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết trong đầu tư sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường. Tăng cường kết nối vùng, miền để trao đổi tiềm năng, thế mạnh, trong đó chú trọng kết nối về logistics, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lưu thông.
Hà Nội tăng cường phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, các khu công nghiệp.
Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng, thế mạnh của địa phương; tích cực quảng bá du lịch Hà Nội và xây dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao.
Với kế hoạch này, thành phố sẽ sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Trong đó, tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.
Khơi thông thị trường, khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất mà thành phố có thế mạnh, năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.
Bên cạnh đó, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Triển khai các giải pháp kết nối vùng; hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.
Đối với các sở, ngành; UBND quận, huyện, thị xã triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Song song đó, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới…
UBND thành phố giao Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký và tổ chức các chương trình khuyến mại bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước; tăng cường phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, các khu công nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét chính sách khuyến khích đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Thường xuyên rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức có hiệu quả các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các hoạt động xúc tiến, kết nối phát triển thị trường trong nước và xúc tiến xuất khẩu tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận trong lĩnh vực nông nghiệp. Các Hiệp hội chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ…