Sửa Luật Quảng cáo cần có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật
(Tổ Quốc) - Chiều 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật
Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo, để khắc phục những bất cập, hạn chế đã và đang tồn tại sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012 như Tờ trình của Chính phủ.
Quan tâm đến các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, đại biểu cho rằng 2 hoạt động quảng cáo này đang bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn sức khỏe người tiêu dùng….
"Người dân đang rất mong muốn Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo lần này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, vấn đề cấp bách trong bối cảnh thị trường quảng cáo ngày càng phát triển nhanh chóng và phức tạp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, nhằm mục tiêu đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh và phát triển bền vững", đại biểu bày tỏ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, Luật Quảng cáo phải có các quy định quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên nền tảng số và mạng xã hội do tồn tại nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy, quảng cáo trên các nền tảng số hiện nay, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả.
Từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn, hay quảng cáo tự động... đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Đặc biệt theo đại biểu, đáng lo ngại nhất là các sản phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như: Một số thực phẩm chức năng, thuốc bổ, hoặc các sản phẩm chữa bệnh quảng cáo là "cải thiện sức khỏe toàn diện", "công dụng thần kỳ", nhưng thực tế không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho các lời khẳng định này; nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn hoặc nước uống quảng cáo là "chứa ít calo", "giảm mỡ", "chứa chất xơ cao", trong khi trên thực tế, các sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, chất bảo quản hoặc thành phần không tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó là các sản phẩm giảm cân, làm đẹp, thực phẩm chức năng, kem dưỡng da hoặc thuốc giảm mỡ quảng cáo là "giảm cân nhanh chóng mà không cần tập luyện" hoặc "làm đẹp tức thì", nhưng thực tế hiệu quả của chúng không được chứng minh rõ ràng, hoặc có thể gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, các dịch vụ tài chính như vay tiền, thẻ tín dụng, tín dụng đen, bảo hiểm… có thể quảng cáo các điều kiện rất hấp dẫn như "vay tiền không lãi suất", "hưởng lãi suất 0%", nhưng thực tế có thể ẩn chứa nhiều khoản phí khác hoặc các điều kiện rất phức tạp mà người tiêu dùng không dễ dàng nhận ra… hay rất nhiều quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo thông tin chính sách với chất lượng không đúng.
"Do đó, Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng", đại biểu kiến nghị.
"Dẹp loạn" những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng việc sửa Luật Quảng cáo lần này phải có sứ mệnh: "dẹp loạn những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị.
Theo đại biểu, hiện nay trên nhiều tuyến đường phố, tuyến giao thông đô thị, tồn tại nhiều băng rôn, bảng hiệu, pano, áp phích quảng cáo nhếch nhác, có những quảng cáo trái phép mà trên đó có nét chữ viết ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc trên các cột điện, vách tường hay treo bằng miếng nhựa trên các dây cáp quang, thậm chí có những bảng quảng cáo che khuất tầm nhìn giao thông…. gây phản cảm, làm xấu hình ảnh đô thị và ảnh hưởng trật tự giao thông. Những hoạt động quảng cáo trái phép này cần phải được xử lý nghiêm để trả lại hình ảnh, nét đẹp của đô thị.
"Dẹp loạn" các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng
Theo đại biểu, việc "dẹp loạn" các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi các quảng cáo ngoài trời xuất hiện ở mọi nơi, từ các biển quảng cáo lớn, bảng điện tử đến các áp phích dán tường, cột điện, hay thậm chí trên phương tiện giao thông công cộng.
"Để giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm, thậm chí bằng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát", đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ đồng tình với Ban soạn thảo về việc Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 37, quy định về Quảng cáo ngoài trời, như: "Quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải xác định: Kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng, phương tiện quảng cáo theo vùng, khu vực, từng tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; trong nội thành, nội thị; phân bổ, khoanh vùng vị trí cho hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời tại khu vực trung tâm đô thị; phương hướng phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời". Tuy nhiên, theo đại biểu Luật cũng cần phải có các quy định rõ ràng về việc quảng cáo không được phép chiếm dụng không gian công cộng hoặc làm giảm đi giá trị cảnh quan đô thị. Các biển quảng cáo không được phép phủ lên các di tích lịch sử, các khu vực có giá trị văn hóa hoặc tự nhiên…