Loại quả bình dân làm nên tinh túy trên bàn ăn của người Việt vươn tầm quốc tế đến với các thị trường "khó tính"
(Tổ Quốc) - Chanh xanh vốn là loại quả quen thuộc dùng làm gia vị, đồ uống trong mỗi căn bếp của gia đình Việt đến biết bao mọi nhà hàng, quán xá, nay trở thành loại nông sản chiếm lĩnh trên thị trường xuất khẩu quốc tế.
Trong mỗi căn bếp nhỏ của gia đình Việt, hương thơm đặc trưng của quả chanh luôn là gia vị không thể thiếu nêm nếm nên hồn cốt của bát nước mắm chua ngọt, các món ăn thường ngày đến các công thức nước giải khát. Không chỉ dừng lại ở việc nâng tầm hương vị các món ăn truyền thống, chanh xanh giờ đây còn là niềm tự hào của Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, trở thành một sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu được ưa chuộng.
Sự hiện diện của quả chanh Việt trên bản đồ thế giới không chỉ khẳng định chất lượng tuyệt vời mà còn góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà, mở ra hướng đi mới cho ngành nông sản, từ những vườn chanh xanh mát lúc lỉu cho đến những thị trường xa xôi, nơi hương vị của Việt Nam được thế giới đón nhận và trân trọng.
Chanh - Phong vị không thể thiếu trong ẩm thực Việt
Quả chanh là một nguyên liệu không thể thiếu trong nền ẩm thực Việt Nam, nổi tiếng với hương vị chua thanh, tươi mát và độc đáo. Chanh không phải loại xa xỉ phẩm đắt đỏ được "trọng vọng" như những thức quả nhập khẩu đắt đỏ, loại quả gia vị này rất sẵn ở những vùng quê. Xưa kia, nhà nào có vườn cũng có ít nhất một cây chanh, nhiều hơn thì dăm ba cây. Cây chanh quê ấy đi vào đời sống ẩm thực của người dân Việt Nam bao đời nay. Từ chanh ta đến chanh không hạt, đều là một hành trình dài tham gia vào tiết tấu định hình ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ăn phở không thể thiếu chanh
Một thức quả nhỏ nhưng có đóng góp lớn lao đối với nền ẩm thực của cả một dân tộc. Nói về chanh trong chuyện ăn, chuyện uống, điều đầu tiên phải kể đến là phở.
Trong văn thơ, nhiều nhà văn trong các áng tùy bút của mình viết về phở đều nhắc đến chanh. Thạch Lam trong "Hà Nội 36 phố phường" khi nói về một bát phở ngon là khi"Nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả"hay một gánh phở ngon mà ít người biết đến có"Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ".Trong "Miếng ngon Hà Nội", Vũ Bằng khi viết về thú ăn phở cũng phải có vài giọt chanh không thì tí giấm.
Còn thực tế, đi ra quán phở, khó có thể tìm thấy hàng nào không để tí chanh, tí ớt, tí giấm tỏi trên bàn cho khách dùng theo ý thích. Dù đôi khi người ta chẳng hiểu vì sao phải vắt chanh vào phở, nhưng dường như đó đã trở thành "thủ tục" thanh tẩy cái ngán của dầu mỡ, mùi chua dịu, thanh mát của tinh dầu tỏa ra khiến bát phở thêm ngon và "dễ vào" hơn. Đối với nhiều người, một bát phở ngon thiếu chanh hẳn là thâm hụt đi nhiều dư vị.
Trên thực tế, phần lớn các món nước như bún, phở của người Việt đều có chanh đi kèm. Mùi hương và vị chua dịu của chanh không chỉ kích thích vị giác mà chanh còn giúp dễ tiêu hóa, thêm vào đó là việc chống ngán.
Nước rau muống luộc thêm chanh: Nét văn hóa trong ẩm thực Việt
Mặc dù có không ít người tin rằng để tạo nên hương vị thơm ngon cho nước rau muống luộc, việc không thể thiếu là phải có sấu đi kèm, nhưng nhiều người trong giới sành ẩm thực lại quả quyết rằng, thêm vài giọt chanh mới là bí quyết làm nên sự tuyệt hảo. Trong văn hóa ẩm thực của nhiều gia đình Việt Nam, việc vắt thêm một ít chanh vào nước luộc rau muống đã trở thành một phong tục quen thuộc.
Điều đặc biệt, sự kết hợp giữa tính kiềm tự nhiên của nước rau và vị axit nhẹ nhàng từ chanh tạo nên sự cân bằng tuyệt vời, không những làm dịu đi hương vị của nước luộc mà còn giúp dễ tiêu hóa hơn. Đặc biệt vào những ngày nắng gắt của mùa hè, một bát nước rau muống luộc có thêm chút chanh không chỉ kích thích vị giác mà còn là phương pháp giải nhiệt vô cùng hiệu quả, mà lại không cần đến sự phức tạp của việc sử dụng nhiều loại gia vị.
Chanh - "linh hồn" của những bát nước chấm
Trong các bữa cơm gia đình, chanh thường được dùng để chế biến nước mắm pha chế, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn Việt. Nói đến nước chấm, nước mắm chua ngọt tinh túy của người Việt chẳng thể nào thiếu được chanh. Bất kể món ăn nào cần đến các công thức nước chấm, quả chanh đều có mặt. Từ bún thịt nướng, bún chả, nem rán, gỏi cuốn, bánh cuốn đến bánh ướt, cơm tấm,... Dù công thức nước mắm chua ngọt có gia giảm, thêm thắt nguyên liệu gì đi chăng nữa thì chanh vẫn là "linh hồn". Từ chanh cùng các nguyên liệu khác có thể biến tấu ra vô vàn các công thức nước chấm khác nhau.
Trên chuyên trang ẩm thực thế giới TasteAtlas khi nói về nước chấm của Việt Nam cũng giới thiệu rằng:"Ở dạng cơ bản, loại nước chấm Việt Nam phổ biến này được chế biến với nước cốt chanh chua, hoặc tùy chọn giấm, đường, nước và nước mắm. Các thành phần bổ sung phổ biến bao gồm ớt thái lát mỏng, tỏi, hẹ, hành lá, gừng hoặc các loại thảo mộc tươi.
Nước chấm có nhiều loại theo vùng miền, và thành phần cuối cùng cũng có thể phụ thuộc vào loại bữa ăn mà nó đi kèm. Nước chấm thường được dùng làm nước chấm cùng với chả giò, bánh xèo và nhiều món thịt hoặc hải sản khác nhau, cũng như mì và súp".
Ngoài sử dụng làm nước chấm, các công thức nước sốt trộn gỏi, nộm cũng không thể thiếu được vị chua dịu đặc trưng của chanh kích thích vị giác và tăng cảm giác ngon miệng. Bên cạnh đó, nước cốt chanh còn được dùng làm nguyên liệu làm giảm tanh trong các món hải sản, như cháo hàu, gỏi cá hay các món sashimi Việt Nam.
Trong các quán nhậu, miếng chanh bên cạnh là hình ảnh quen thuộc, chanh được vắt vào ly bia để tạo ra "bia cốt chanh" - một thức uống khoái khẩu của nhiều người.
Về mặt y học cổ truyền, chanh còn được coi là một vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa và làm mát cơ thể, thích hợp sử dụng trong những ngày hè oi bức. Như vậy, chanh không chỉ góp phần làm phong phú thêm bảng màu sắc của ẩm thực Việt Nam mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Loại nông sản quen thuộc trên bàn ăn của gia đình Việt vươn tầm quốc tế
Chanh không hạt, còn được gọi là chanh tứ quý, tên khoa học là Citrus latifolia. Nguồn gốc của chanh không hạt xuất phát từ California, Mỹ được John T. Bearss lai tạo vào năm 1895. Đặc điểm của giống chanh này đó là không hạt và vị quả ít chua hơn và cũng không có vị đắng đặc trưng của chanh ta. Chanh không hạt với đường kính khoảng 5cm, lớn hơn quả chanh ta, thân cây không có gai, quả tạo thành từng chùm.
Ưu điểm nổi bật của chanh không hạt là chúng cho quả quanh năm, năng suất cao, quả to tròn, cơm màu trắng xanh, không hạt, vỏ mỏng, nhiều nước, chua và thơm như chanh giấy của ta. Chanh không hạt được trồng nhiều ở các tỉnh Long An, Cần Thơ, Trà Vinh,... trong đó, vùng đất Long An - nơi được mệnh danh là "Vua của chanh không hạt" với năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng cùng với hương vị tuyệt vời. Chưa kể, giống chanh không hạt này trồng cho lại vốn nhanh.
Chanh không hạt dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng tùy thuộc vào từng môi trường đất và khí hậu mà có những phương pháp chăm bón riêng. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người dân cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, rãnh sâu 10-15cm, rộng 10-20cm bón phân, lấp đất và tưới nước. Miền Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên thì đào những hố xung quanh gốc dựa theo hình chiếu tán cây, sâu 20-30 cm, rộng 20-30cm, bón phân, lấp đất và tưới nước hoặc áp dụng bón rãnh như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chanh không hạt được trồng ở những vùng này không chỉ giúp người dân có sinh kế, mà còn trở thành loại nông sản được tiêu thụ nhiều trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm chanh tươi không hạt của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Lào, Thái Lan, các nước Châu Âu, Vùng Vịnh,...
Chanh tươi không hạt xuất khẩu phải được canh tác tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Trong đó VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. Chanh được trồng theo tiêu chuẩn này sẽ không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
Còn tiêu chuẩn GlobalGAP có thể hiểu là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên toàn cầu. Nông sản được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm từ giống cây trồng, các nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, thu hoạch, xử lý, vận chuyển và bảo quản. Nông sản có chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, từ đó dễ dàng thuyết phục được các nhà phân phối lớn và thâm nhập các thị trường nước ngoài khó tính.
Điều đáng mừng là ý thức của người nông dân về sản xuất chanh đảm bảo các tiêu chuẩn tại các vùng đất chuyên canh chanh không hạt ngày càng được nâng cao rõ rệt, minh chứng là các thị trường nước ngoài tiêu thụ ngày một gia tăng. Trong đó, có rất nhiều các đơn vị trồng chanh tươi, thực hiện các quy trình chuyên nghiệp hóa để dẫn dắt nông sản này vươn tầm thế giới.
Nông trang Hải Âu là một trong những đơn vị tiêu biểu và tiên phong về trồng chanh không hạt tại tỉnh Long An được thành lập vào năm 2004. Đến năm 2006, Nông trang Hải Âu được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ thương hiệu chanh không hạt Vica Lime.
Hiện tại Nông trang Hải Âu đang trồng và liên kết với nông dân trong và ngoài tỉnh để tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào, với tổng diện tích trên 500 hecta, sản lượng ước tính trên 14.000 tấn/năm . Sản phẩm chanh không hạt Vica lime đang cung ứng cho các thị trường trong và ngoài nước (siêu thị và chợ, các nước khu vực Trung Đông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc,...). Chất lượng sản phẩm đang từng bước được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.
Nông Trang Hải Âu đang từng bước mở rộng quy mô xưởng sơ chế chanh không hạt tươi, đầu tư thiết bị đóng gói hiện đại, dây chuyền chế biến chanh sấy khô, chanh xí muội, nước ép chanh,... với hệ thống kho bảo quản lạnh được đặt tại Long An, Lạng Sơn, Bằng Tường và Thượng Hải để thuận tiện việc cung ứng liên tục và nhanh nhất cho khách hàng.
Bên cạnh sản phẩm chanh không hạt Vica Lime tươi, Nông Trang Hải Âu sẽ cho ra thị trường các dòng sản phẩm đã qua chế biến để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trực tiếp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và phát huy tối đa những lợi ích từ trái chanh không hạt mang lại.
Đại diện nông trang Hải Âu chuyên thu mua chanh tại Bến Lức (Long An) cho biết, nhiều năm trở lại đây thị trường tiêu thụ chanh không hạt gia tăng rất mạnh, đã có nhiều công ty trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư. Để đảm bảo chất lượng chanh không hạt thương phẩm xuất sang nước ngoài, hiện các công ty có hợp đồng ký kết thu mua đều cử kỹ sư về hướng dẫn nông dân quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hệ thống mã vạch cho chanh không hạt vùng đề án giúp truy xuất nguồn gốc, tạo cơ sở cho việc sản xuất chanh bền vững đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư xây dựng.
Theo thông tin từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hơn 80% sản lượng chanh không hạt của huyện Bến Lức, tỉnh Long An được chế biến để xuất khẩu. Huyện có 6.950ha trồng chanh, sản lượng đạt 105.600 tấn/năm, năng suất bình quân 160 tạ/ha. Năm 2023, diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tăng thêm 460ha, cao hơn kế hoạch đề ra.
Người trồng chanh có thu nhập cao từ cây này, với 1ha có thể kiếm gần 100 triệu đồng/năm. Huyện Bến Lức cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh, nổi bật là Công ty TNHH The Fruit Republic (Cần Thơ), mua chanh với giá cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Công ty này xuất khẩu chanh sang nhiều thị trường như EU, Trung Đông và chiếm 15% sản lượng xuất khẩu ổn định. Để hỗ trợ nông dân, huyện cũng thực hiện các chương trình tuyên truyền và chuyển giao kỹ thuật canh tác chanh ƯDCNC.
Mô hình trồng chanh không hạt của hợp tác xã Thành Chí tại Trà Vinh đã chứng minh hiệu quả cao, giúp nông dân đạt lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã cải thiện đầu ra, ổn định giá cả và giảm rủi ro cho nông dân. Mỗi ha chanh liên kết đem lại thu nhập cao, nhiều gia đình từng đạt 30 triệu đồng/tháng. Chanh không hạt dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần nhiều chi phí chăm sóc. Hợp tác xã Thành Chí mua chanh với giá luôn cao hơn thị trường, đặc biệt vào mùa nghịch.
Giám đốc hợp tác xã, ông Phan Đức Tài, đã phát triển diện tích trồng chanh lên 142 ha, mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hà Lan. Nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và tiếp cận vốn vay 50 triệu đồng/thành viên. Tăng trưởng này hướng đến cải thiện cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu và tiết kiệm nước, đồng thời giúp nông dân tận dụng nguồn nhân lực gia đình, tăng hiệu suất sản xuất.
Trong khi đó, Nguyễn Hải Âu là nhà sản xuất chanh không hạt uy tín tại Bến Lức, Long An, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2004 và thu hoạch lứa đầu tiên vào năm 2006. Đối mặt với sức mua thấp, anh đã hợp tác với Central Retail Vietnam từ năm 2006 để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về chanh không hạt. Hiện nay anh quản lý 50 ha đất trồng, sản xuất 30 tấn chanh mỗi tháng, phần lớn tiêu thụ nội địa và một phần xuất khẩu.
Chanh không hạt của Việt Nam không chỉ đã thành công trong việc xuất khẩu trái chanh tươi mà còn đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị, nhằm chinh phục thị trường quốc tế. Công ty Chanh Việt, nhận thấy chỉ có 40% sản phẩm chanh loại 1 được chấp nhận ở thị trường quốc tế, đã đầu tư vào chế biến sâu, sản xuất nước cốt chanh, bột chanh và các sản phẩm có giá trị gia tăng khác. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được xuất khẩu, đặc biệt đến các thị trường khó tính như Nhật Bản và Mỹ. Công ty cũng đang mở rộng liên kết với các hợp tác xã và người dân địa phương, mua vào hàng trăm tấn chanh mỗi năm để phục vụ cho việc chế biến.
Trả lời trên báo VOV, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến năm 2025 cây chanh được xác định là một trong 4 cây trồng mang lại sự đột phá cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến thời điểm này, vùng nguyên liệu chanh Long An đã hình thành 3.000ha sản xuất công nghệ cao với 165,5 ha VietGAP và 220 ha GlobalGAP. Trong đó Long An đã có 41 mã số vùng trồng và 31 mã số đóng gói.
Người nông dân trồng chanh dần được huấn luyện sản xuất chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, Trung Quốc mà còn những thị trường khó tính như: EU, Anh, Nga, New Zealand, Hà Lan và Trung Đông…
Thời báo VTV cũng đưa tin, chanh không hạt của Việt Nam đã trở thành sản phẩm phổ biến và chiếm ưu thế tại thị trường Vùng Vịnh, được bày bán từ siêu thị đến chợ bình dân. Chanh không hạt Việt Nam không chỉ được tiêu thụ mạnh tại Dubai mà còn được tái xuất sang các nước khác như Saudi Arabia, Oman, Bahrain và Qatar.
Hương vị đặc trưng của chanh Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp nó vượt qua các loại chanh khác trên thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng vào mùa nóng, khi nhu cầu tiêu thụ chanh tăng cao. Al Maya, một tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Dubai, cũng đã mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam khác như dừa, ổi và xoài sau thành công từ gạo và chanh không hạt.