Thơ ca trong thời đại công nghệ số: dễ dàng nhưng đầy thách thức
(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh công nghệ số phát triển không ngừng, thơ ca cùng các loại hình nghệ thuật khác đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ AI, đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực, trong đó có cả văn chương và thơ ca. Sự thay đổi đó cũng đã mang lại nhiều thách thức cho những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Đó là những chia sẻ của các diễn giả tại tọa đàm "Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng" diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
Dễ dàng đưa sáng tác đến với độc giả
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Hiện nay, chúng ta đang sống ở một thời đại rất tuyệt vời, với các nhà văn, nhà thơ thì càng "sướng" hơn bởi có sự hỗ trợ của công nghệ. Còn độc giả bây giờ, chỉ một chiếc điện thoại cũng có thể đọc sách và chứa được cả thư viện thế giới. Điển hình như bản thân tôi, trong chiếc điện thoại nhỏ gọn của mình có đến 175.000 cuốn sách điện tử. Đối với tôi, đây là một trải nghiệm mới mẻ, tiện lợi và hữu ích".
Các diễn giả tham dự tại tọa đàm
"Với sự phát triển của sách điện tử, tôi cũng đã từ nghĩ rằng, đến một ngày sách điện tử sẽ thay thế sách giấy. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, bởi, sách điện tử và sách giấy vẫn cùng tồn tại, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra sự phong phú cho độc giả. Mỗi loại sách đều có một giá trị riêng, sức hút riêng không thể thay thế cho nhau được. Sách điện tử mang đến sự tiện ích cho độc giả, còn sách giấy là kho tàng lưu giữ giá trị tinh thần. Với cảm giác lật giở từng trang giấy, mùi hương giấy mực đặc trưng đã thật sự gắn bó lâu đời cùng độc giả, nên vậy, nó vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người yêu sách. Các cuốn sách của tôi, đều được các nhà xuất bản in tái bản lại rất nhiều, như cuốn Góc sân và khoảng trời của tôi đã được đã tái bản lần thứ 161 rồi" – nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhà thơ Trần Kim Hoa cho biết: "Thời chúng tôi, lúc còn học phổ thông, những bài thơ đầu tiên chúng tôi được biết đến là qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua sách, báo… đây là những kênh thông tin truyền thống và chung thủy với chúng tôi đến tận bây giờ vẫn chưa thể thay thế được. Ngoài ra, việc có những bài thơ đăng báo vẫn một niềm tự hào đối với các nhà thơ ở thế hệ chúng tôi. Còn hiện nay, thơ ca đến với độc giả bằng nhiều con đường khác nhau như: xuất bản sách, qua báo chí, các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhà thơ với độc giả... Đặc biệt, các bạn trẻ còn có thể có thể đăng thơ, văn lên mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để tiếp cận độc giả nhiều hơn".
Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ tại tọa đàm
Còn theo nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: "Hiện nay, khi đã có sự kết nối về công nghệ, các nhà thơ, nhà văn đã có nhiều phương thức khác nhau để phổ biến tác phẩm của mình. Nếu chưa có cơ hội phổ biến trên báo, tạp chí, các tác giả phổ biến trên trang cá nhân, trên tài khoản mạng xã hội. Đây là bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên cũng đặt chúng ta vào nguy cơ phải đối diện với một số thách thức. Bởi, cuốn sách hay được xuất bản chính thống nó vẫn có ranh giới khác với việc đưa lên mạng xã hội, trang cá nhân. Việc có thể tự do xuất bản tác phẩm trên trang cá nhân, khi nhận lời khen, sự cổ vũ từ cộng đồng mạng, có thể sẽ dẫn đến tình trạng, một bộ phận tác giả dễ bị ảo tưởng về tác phẩm của mình" – nhà thơ Lữ Mai nói.
Công nghệ vẫn không thể thay thế con người hoàn toàn
Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm, các diễn giả còn bàn luận đến vấn đề công nghệ AI đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực, trong đó có cả văn chương và thơ ca.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: "Công nghệ AI vô cùng kỳ diệu, mới đây, tôi đã ra lệnh cho AI viết một bản điếu văn cho chính mình dựa trên những từ khóa: Điếu văn cho lão già Trần Đăng Khoa, nhà thơ, dài 800 chữ. Ngay sau hai giây, AI đã trả cho tôi một bản điếu văn cực kỳ đầy đủ và ấn tượng. Điếu văn nhắc đầy đủ các tác phẩm của tôi, trong đó có những tác phẩm từ thời nào mà chính tôi còn không nhớ rõ. Hay sau bản điếu văn này, tôi còn ra đề bài cho AI viết một truyện vừa về thôn Làng Nủ sau trận lụt kỷ lục vừa qua. Và thật bất ngờ, AI đã viết thành một truyện vừa dài khoảng 100 trang".
"AI thông minh tới mức viết xong chương I đã đưa cho tôi đọc và hỏi xem có gợi ý gì hoặc cùng với nó viết tiếp chương II. Tôi thử copy một đoạn trong truyện do AI viết rồi tìm xem nó có "ăn cắp" truyện của ai đó không nhưng hoàn toàn không có" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhà thơ Trần Kim Hoa chia sẻ tại tọa đàm
Qua đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: "Sự phát triển và thay đổi này ít nhiều cũng đang "đe dọa" những người sáng tạo văn học, đặc biệt là sáng tác văn xuôi, còn với nhà thơ chưa phải cạnh tranh nhiều vì AI chưa làm được thơ. Bởi thơ là những rung động của tâm hồn, những cảm xúc mà chỉ con người mới hiểu, mới truyền tải được. Nên vậy, các nhà văn thời công nghệ số cần phải trăn trở nhiều hơn với những sáng tạo của mình, tìm đề tài ra sao để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước được, không thể với tới được. Chỉ có như thế, con người mới giữ được vai trò kiểm soát và điều khiển máy móc, nếu không thì sẽ bị trí tuệ nhân tạo lấn lướt".
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ AI trong sáng tác nghệ thuật văn chương, nhà thơ Lữ Mai khẳng định: "AI là một công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình sáng tác và nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, AI không bao giờ thay thế được sự sáng tạo độc nhất của con người. Việc dùng AI để sáng tác một tác phẩm mới rồi tác giả ký tên cũng bị coi là "ăn cắp trí tuệ nhân tạo". Hơn nữa, nếu tất cả chúng ta đều sử dụng cùng một câu trả lời sẵn có của AI, các tác phẩm văn học sẽ trở nên rập khuôn, thiếu đi sự đa dạng và phong phú. Vì vậy, người sáng tạo nghệ thuật nên khai thác AI như một công cụ hỗ trợ, tạo cảm hứng để mỗi người có thể tự phát triển những ý tưởng độc đáo của mình. Và để khai thác hiệu quả công nghệ AI phục vụ cho sáng tác của mình, chúng ta cần biết cách đặt câu hỏi thông minh và có tư duy phản biện".
Quang cảnh tọa đàm
Cùng quan điểm trên, nhà thơ Trần Kim Hoa nhấn mạnh, AI chỉ là công cụ hỗ trợ tác giả trong việc tổng hợp kiến thức, chứ không thể hoàn toàn thay thế được con người.
"AI có thể cung cấp kiến thức và xử lý thông tin nhanh chóng, sắc sảo, nhưng nếu nói rằng AI có thể thay thế toàn bộ quá trình sáng tác văn hóa, thơ ca thì chưa đến ngày đó. Trong tương lai xa, chắc chắn AI sẽ làm được nhiều việc hơn, nhưng vẫn có những giới hạn mà công nghệ khó vượt qua so với con người. Chỉ có con người, với những cảm xúc sâu sắc và nhạy cảm, mới thể hiện được trọn vẹn ngôn từ thông qua thơ ca. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan mà các nhà văn, nhà thơ cũng cần phải coi trọng dấu ấn cá nhân trong văn chương của mình. Nếu con người cứ mờ nhạt, để những sáng tạo văn chương na ná nhau, không có dấu ấn cá nhân đặc biệt, chắc chắn các tác phẩm đó sẽ không có giá trị trước những sự thông minh, siêu phàm của AI" – nhà thơ Trần Kim Hoa nhấn mạnh../.