Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc cạnh tranh ngang sức giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump
(Tổ Quốc) - Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy cả hai ứng cử viên- bà Kamala Harris và ông Donald Trump- được đánh giá là “cân tài cân sức” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.
Lợi thế của cựu Tổng thống Trump
Theo hãng CNN, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhấn mạnh ông có thể tiếp quản một nhiệm kỳ mới giúp nước Mỹ thay đổi. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định bà sẽ thúc đẩy các nỗ lực cao nhất có thể cho đến Ngày bầu cử.
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN
Với vấn đề nhập cư, ngày 7/10, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa tiếp tục sử dụng ngôn từ ngày càng gay gắt để chỉ trích người nhập cư. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần sử dụng luận điệu chống lại người nhập cư, cam kết sẽ trục xuất hàng loạt nếu ông đắc cử.
Tại tiểu bang Colorado (Mỹ) hai ngày trước đó, ông Trump một lần nữa tuyên bố sẽ "bắt đầu chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ, nhấn mạnh "Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới. Chúng tôi sẽ ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình. Chúng tôi sẽ không bị khuất phục".
Cựu Tổng thống Trump có thể đang gia tăng áp lực lớn lên phó Tổng thống Harris. Và một nhóm các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ — bao gồm cả cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama — đang kêu gọi cử tri ở các tiểu bang, đặc biệt là các cử tri da đen và gốc La tinh ủng hộ bà Harris.
Vào ngày 13/10, bà Harris cũng chỉ trích ông Trump khi ông từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai và trả lời phỏng vấn của "60 Minutes".
"Ông ấy không minh bạch với cử tri … Điều đó khiến bạn tự hỏi, tại sao ông ấy không xuất hiện? " bà Harris đã nói như vậy.
Nhiều cảm xúc ngày càng tăng với những người ủng hộ đảng Dân chủ. Đầu tiên là sự phấn khích khi bà Harris tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 7, tiếp theo là Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ và bà Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ vào tháng 8. Sau đó là màn tranh luận của bà Harris với ông Trump vào tháng 9.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, tất cả những diễn biến nhanh chóng đó hiện chưa chuyển thành lợi thế quyết định cho bà Harris.
"Cuộc chiến cân sức"
Trong các cuộc thăm dò toàn quốc của CNN, CBS, ABC và NBC, mức độ cạnh tranh giữa hai ứng viên cho thấy tỷ lệ sát sao.
Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Grand Sierra Resort tại Reno, Nevada. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images
Ngay cả khi bà Harris dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn quốc, các nhà quan sát vẫn lo ngại, giống như bà Hillary Clinton trước đây, bà Harris có thể giành được số phiếu phổ thông nhưng không đạt được số phiếu của Đại cử tri đoàn.
Cuộc đua sít sao trong 3 tuần gần đây cho thấy những định hướng của ứng cử viên Trump đang đưa ra dường như đúng với mong muốn hiện tại hàng triệu người dân Mỹ.
Đảng Cộng hòa cũng lập luận rằng các chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Biden đã gia tăng tình trạng lạm phát sau quyết định rút quân của Mỹ ra khỏi Afghanistan. Và chính những dai dẳng trong vấn đề nhập cư chưa thể giải quyết ở chính quyền Tổng thống Biden, đảng Dân chủ có thể đang trao cho ông Trump một cơ hội lớn để giải quyết vấn đề quan trọng này.
Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể đang chiếm ưu thế về những gì mà cử tri liên tục nhắc đến là lĩnh vực kinh tế. Trong cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos, 59% ý kiến cho biết tình hình kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn và cần những thay đổi mới.
Trong cuộc thăm dò của NBC News, 10% cử tri cho biết họ vẫn có thể thay đổi quyết định vào phút chót. Và tỷ lệ này gọi là "một phần nhỏ" vẫn chưa được xác nhận. Ở các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Arizona và Georgia, ngay cả những thay đổi muộn trong tỷ lệ ủng hộ, cũng có thể mang tính quyết định cục diện bầu cử cho cả hai ứng viên.
Định hướng của Phó Tổng thống Kamala Harris
Chiến lược gia thuộc Đảng Dân chủ Doug Sosnik tin rằng cuộc bầu cử đang là cuộc đua 50-50 và trong 10 ngày qua, ông Trump dường như có giành được một số lợi thế nhất định.
Phó Tổng thống Kamala Harris tham dự một cuộc vận động tranh cử ở Erie, bang Pennsylvania. Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters
Nhưng ông Sosnik cho biết chiến dịch "thực sự sẽ tập trung vào bà Harris và bà ấy có thể chịu được áp lực". Nhiệm vụ của bà Harris đang trở nên áp lực hơn vì thiếu cơ hội để đối đầu trực tiếp với ông Trump.
Trước diễn biến trên, ngày 14/10, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố một kế hoạch nhằm mang lại cho nam giới là người da màu có thêm nhiều cơ hội hơn để phát triển, trong nỗ lực giành được thêm sự ủng hộ từ khối cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Kế hoạch của bà Harris gồm cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu, tạo ra nhiều chương trình học nghề hơn, cũng như nghiên cứu thêm về các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến nam giới người Mỹ gốc Phi.
Ông Cedric Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử và cũng là một cựu nghị sĩ da màu, cho biết bà Harris muốn xây dựng một nền kinh tế nơi - những người đàn ông da màu có cơ hội phát triển, có khả năng mua nhà, chu cấp cho gia đình, khởi nghiệp và tạo dựng sự giàu có.
Kế hoạch trên được đưa ra vào thời điểm có nhiều lo ngại rằng có nhiều nam giới da màu có thể sẽ không tham gia cuộc bầu cử sắp tới.
Một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của The Associated Press-NORC thực hiện cho thấy khoảng 70% cử tri da màu có quan điểm tích cực về bà Harris, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khả năng lãnh đạo của bà./.