VN Ngày Nay
Xung quanh việc Tổng Giám đốc Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh
18-09-2024 13:02 vietnamnet.vn / Xem trang gốc

Lý do được cơ quan thuế địa phương đưa ra là ông Nam là người đại diện pháp luật của Bamboo Airways - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh bắt đầu từ ngày 11-9-2024 đến ngày Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách.

Nhưng với người viết bài này, thông tin này không còn “lạ”. Sau một thời gian theo dõi danh sách các doanh nhân bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế, tôi nhận ra rằng, danh sách đó ngày càng dài ra.

Họ là các doanh nhân đại diện cho những công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán hay những doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thậm chí là doanh nghiệp nhà nước.

Tôi có cảm nhận là các cơ quan thuế hay các cơ quan nhà nước khác, trực tiếp hay gián tiếp liên quan, chưa thấu cảm với nỗi khổ đau, khó khăn của doanh nghiệp.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: H.Thiêm

Nợ thuế là chuyện đặng chẳng đừng của doanh nghiệp. Họ thật sự khó khăn mới nợ thuế. Mà thực ra, nhiều doanh nghiệp đâu chỉ nợ thuế của Nhà nước, họ còn nợ bạn hàng, đối tác, ngân hàng, thậm chí nợ cả người lao động. Chậm thuế khác xa so với trốn thuế.

Một mặt, khi bị công bố tạm hoãn xuất cảnh thì doanh nhân đó trong con mắt các đối tác, bạn hàng và cộng đồng bị coi là có dính dáng đến pháp luật. Khi doanh nhân bị công khai về danh tính hoãn xuất cảnh thì còn đối tác nào dám chơi và làm ăn với họ nữa. Không được xuất cảnh thì họ làm sao tìm thêm đối tác, đơn hàng mới để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, có doanh thu để trả nợ thuế, đóng thuế. Như vậy là họ bị hạn chế mất cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, Bamboo Airways từng công bố sẽ tiếp tục thuê thêm máy bay để tăng quy mô đội bay lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 chiếc đến cuối năm 2025. Là Tổng Giám đốc, ông Lương Hoài Nam không xuất cảnh được thì làm sao ông ấy gặp gỡ được các đối tác để đàm phán, ký kết để thực hiện kế hoạch này?

Ông Nam được Nhà đầu tư và Hội đồng Quản trị của Bamboo Airways mời làm Tổng Giám đốc để tái cấu trúc hãng sau khi hãng đã lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, lỗ lớn, nợ nhiều (trong đó có nợ thuế), với nhiệm vụ giữ được hãng và phát triển trở lại, từng bước có lãi, thu hút được vốn đầu tư để vừa phát triển, vừa trả dần được nợ cho các chủ nợ (kể cả cơ quan thuế).

Nay ông Nam bị hoãn xuất cảnh thì làm sao ông ấy thực hiện được việc điều hành kinh doanh và tái cấu trúc Bamboo Airways, làm sao hãng có cơ hội tồn tại, phát triển trở lại và trả dần được các khoản nợ? Đó là chưa nói, ông Nam không phải là người gây ra các khoản nợ thuế mà là người đang cố gắng tái cấu trúc Bamboo Airways để có thể trả được các khoản nợ thuế.

Nếu như vậy, thiệt hại lúc này không chỉ là doanh nghiệp mà còn là của người dân, của quốc gia, nhất là trong bối cảnh thiếu máy bay và giá vé rất cao như hiện nay.

Với doanh nhân ở các công ty đại chúng, việc tên tuổi họ bị công bố hoãn xuất cảnh sẽ tác động rất lớn đến giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó, ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét, lẽ ra thay vì hạn chế xuất cảnh, thì cơ quan thuế nên áp dụng chế tài phạt hành chính là hợp lý.

Đó là chưa nói đến, khái niệm về thể nhân là khác hẳn pháp nhân. Pháp nhân nợ thuế chứ cá nhân đó không nợ thuế, sao lại hạn chế họ xuất cảnh.

Tôi cho rằng việc hoãn xuất cảnh đối với các doanh nhân liên quan đến chậm thuế, nợ thuế là lợi bất cập hại, nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn, kéo dài từ Covid-19 năm 2020 đến nay, khi con bão Yagi vừa giáng một đòn rất nặng cho doanh nghiệp.

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân được báo cáo là chiếm đến 46% GDP. Vấn đề là, trong số đó chủ yếu là đóng góp của hộ gia đình (chiếm khoảng 33%GDP) và phần còn lại, khoảng 10% là của các doanh nghiệp có đăng ký chính thức.

Hay nói một cách khác, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức ở nước ta rất nhỏ trong tương quan với khu vực FDI (chiếm tỷ trọng hơn 20% GDP), doanh nghiệp nhà nước (hơn 27% GDP). Họ không lớn lên được.

Lẽ ra, cần thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển vượt lên nữa, như Nghị quyết 10 năm 2017 đã nêu.

Tôi chợt nhớ lại một câu chuyện được kể cách đây 5 năm, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết 20 năm thi hành Luật Doanh nghiệp. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung kể lại chuyện nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với ông trong cuộc gặp trước đó mấy ngày.

Ông Cung kể, ông Dũng nói rằng, sau 20 năm khu vực kinh tế tư nhân của nước ta có 2 điểm mới: một là có những tập đoàn tư nhân xuất hiện và hai là nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở nước ngoài”. Ông kể thêm, “Nguyên Thủ tướng rất trăn trở về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, về các mệnh lệnh hành chính. Bác Dũng về đời thường rồi nên  nghe rất nhiều chuyện về khó khăn của doanh nghiệp và rất mong muốn trong chiến lược sắp tới, phải nêu bật được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, phải có thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân”.

Đó là câu chuyện của 5 năm trước. Còn mới đây, nhân dịp Luật Doanh nghiệp tròn 25 năm, những nhà hoạch định chính sách từng thiết kế ra luật đó đã tự tổ chức một cuộc gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm thời làm luật.

“Khi nói về hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện nay, trong đó có những trường hợp bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, có nhiều người đã ứa nước mắt”, một vị quan chức cao cấp đã về hưu kể lại với tôi.

Khi hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế, tất nhiên, cơ quan thuế có đầy đủ các quy định pháp luật như Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản luật liên quan khác.

Nhưng đó chưa phải là lựa chọn tốt nhất của chính sách theo nghĩa “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Điểm chốt cần tháo gỡ trên 'mảnh đất thực tiễn Việt Nam'Cuộc gặp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiều ngày 22/8 rõ ràng mang lại nhiều thông điệp tích cực.