VN Ngày Nay
Kình ngư 20 tuổi phá kỷ lục Olympic 2024: 'Tôi chưa thành danh không ai tìm đến'
17-08-2024 23:59 vietnamnet.vn / Xem trang gốc

Phan Triển Lạc sinh năm 2004 tại Ôn Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) - nơi được mệnh danh là thủ phủ bơi lội của đất nước này. Lên 7 tuổi, anh bộc lộ tài năng thiên bẩm bơi lội và được chọn vào đội tuyển thể thao thành phố.

Tham gia Đại hội Thể thao tỉnh năm 2014, Triển Lạc giành 7 huy chương Vàng tại các nội dung bơi: 50m, 100m, 400m tự do, 200m hỗn hợp và 3 hạng mục tiếp sức. Đáng chú ý ở mỗi cuộc đua, Triển Lạc đều bỏ xa đối thủ. Tháng 9/2023, kình ngư trẻ của đội tuyển Trung Quốc tiếp tục phá kỷ lục tại Đại hội Thể thao châu Á với 100m tự do nam.

Dù đạt thành tích tốt ở trong và ngoài nước nhưng Triển Lạc không được nhiều người biết. Đến tháng 2/2024, khi chính thức có tên trong đội tuyển quốc gia tham dự Olympic 2024, Triển Lạc mới nhận được sự quan tâm.

Ngày 1/8, Triển Lạc giành huy chương Vàng nội dung bơi 100m tự do nam với thời gian 46s40 - phá kỷ lục thế giới. Đây là một trong những bước tiến quan trọng đánh dấu thành tích của VĐV bơi lội Trung Quốc tại đấu trường Olympic.

Trở về sau chiến thắng tại Olympic 2024, ngày 11/8, Triển Lạc tham gia cuộc phỏng vấn của CCTV:

- Có lẽ cuộc sống của bạn đã thay đổi sau chiến thắng tại Paris (Pháp)?

Tôi cảm nhận rõ sự thay đổi, giờ muốn ra ngoài một mình cũng khó. Khi tôi di chuyển đến buổi phỏng vấn, dưới khách sạn đã có nhiều người chờ xin chữ ký. Tôi vẫn chưa quen vì lúc kém không ai tìm, khi thành danh lại nhiều người quan tâm. Tôi ước trở lại cuộc sống bình yên. Thà kết quả lần này không tốt để giờ tôi tập trung rèn luyện.

- Điều này khiến bạn vui không?

Không, tôi vẫn cho là mình không giỏi như mọi người nghĩ. Đây là thành quả của quá trình tập luyện không ngừng.

- Ở hạng mục bơi tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam, đội tuyển Trung Quốc chậm hơn đối thủ 0,75s, là thành viên cuối cùng, bạn gặp áp lực gì?

Thực tế, tôi không quan tâm đối thủ. Tôi chỉ quan sát đồng đội bơi.

- Việc bơi đuổi đối thủ (tiếp sức hỗn hợp) và bơi cá nhân (100m tự do nam) khác nhau như nào?

Với tôi, bơi đuổi dễ phát huy khả năng bản thân. Khi tập luyện, tôi thường đề nghị đồng đội xuất phát trước từ 1 đến 2s. Cách này giúp tôi tiến bộ nhanh. Nhìn chung kỹ thuật của họ tốt nhưng tốc độ tôi nhỉnh hơn.

- Khi đang bơi, bạn có quan sát đối thủ không?

25m cuối ở nội dung 100m tự do nam, tôi mới quan sát. Đây là lúc đối thủ dễ bỏ cuộc, chỉ cần cố gắng sẽ thắng. So với họ, tôi có ưu thế tuổi tác, bao gồm cả thể lực lẫn nhịp thở. Hầu hết mọi người đẩy nhanh tốc độ ở 75m đầu, đến cuối lại đuối sức. Tuy nhiên, giai đoạn này quan trọng ai kiên trì là về đích sớm.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

VĐV Phan Triển Lạc lập kỷ lục 46s40 nội dung 100m tự do nam tại Olympic 2024.

- Tham gia vòng loại, bạn cảm nhận gì về đối thủ?

Đây là vòng VĐV không bung hết sức. Hôm đó, bơi cạnh tôi là Kyle Chalmers (đội tuyển Australia) - người giữ huy chương Vàng nội dung 100m tự do nam Olympic Rio 2016 với thành tích 47s08, nên tôi tính hoàn thành phần thi trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, do chủ quan tôi suýt phải rời từ vòng loại.

- Suýt rời từ vòng loại đến khi lọt chung kết, bạn được đánh giá cao không?

Tôi không quan tâm mọi người nghĩ gì. Pháp là nước chủ nhà Olympic 2024, đa phần khán giả cổ vũ cho đội tuyển quốc gia, nhưng tôi coi như họ đang cổ vũ mình.

Nhịp thở của tôi thuận bên trái nên chỉ thấy đối thủ ở làn 5,6,7 và 8 đang bơi chậm hơn mình, còn làn 1,2 và 3 tôi không rõ tình hình. Lúc này, tôi tập trung dồn lực bơi nhanh để cán đích. Nếu đã cố gắng nhưng không thắng, tôi nghĩ do năng lực mình kém, cần rèn luyện thêm.

- Bạn có khó chịu khi kết quả bị nghi ngờ không (dương tính với Trimetazidin - chất cấm sử dụng đối với VĐV tham gia thể thao)?

Tôi quan niệm thể thao là phá kỷ lục cũ tạo thành tích mới. Dù bức xúc nhưng tôi trong sạch nên không sợ. Để phản bác, việc đầu tiên tôi làm là hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, dùng thành tích chứng minh.

- Huấn luyện viên người Australia - Brett Hawke nhận định chiến thắng của bạn "không thể đạt được bằng sức người", bạn suy nghĩ gì?

Nói như vậy, ông Brett Hawke đang tự đặt ra định kiến. Trong khi, định kiến do con người tạo nên và tự áp đặt cho bản thân, tốt nhất là không quan tâm.

- Bạn có sợ kỷ lục bị phá vỡ không?

Không, vì kỷ lục người khác lập tôi cũng phá vỡ. Do đó, chắc chắn tương lai có người thay tôi. Điều tôi có thể làm trong thời gian thi đấu đỉnh cao là duy trì ngôi vị lâu nhất.

- Người Trung Quốc có câu: "Đánh giang sơn dễ nhưng giữ mới khó", nếu kỷ lục này có người khác đạt được, bạn cảm thấy thế nào?

Khi đối mặt với việc này không ai vui vẻ. Tôi vẫn chúc mừng người phá kỷ lục của tôi. Phải có người mở đường, các VĐV khác mới vượt qua giới hạn bản thân. Với thành tích ở hiện tại, tương lai tôi cần nỗ lực hơn.

- Có khi nào bạn nản không?

Không, vì mục tiêu của tôi là trở thành VĐV hàng đầu thế giới. Nếu bỏ cuộc đồng nghĩa đối thủ thắng tôi. Trong hành trình tiến về phía trước, tôi coi cả những lời cổ vũ lẫn chê bai là động lực. Họ nói tôi không thể làm được, tôi càng phải nỗ lực tập luyện chứng minh điều ngược lại.

- Một ngày tập luyện của bạn diễn ra thế nào?

Thông thường, một ngày tôi bơi khoảng 15.000m, sáng là 7.000m, chiều nhiều hơn. Để tăng tốc độ bơi, tôi phải luyện thường xuyên, không tập một ngày sẽ thụt lùi.

- Sự khác nhau giữa tập luyện có hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và không có là như thế nào?

Không có khoa học kỹ thuật, VĐV khó nhận ra thành công của bản thân đến từ đâu. Ngược lại, nếu có sự hỗ trợ, sẽ biết được mỗi giai đoạn cần cải thiện kỹ năng nào.

- Sau bước đột phá tại Olympic 2024, kế hoạch tương lai của bạn là gì?

Tôi chưa nghĩ đến, nhưng vẫn tiếp tục rèn luyện. Tuy nhiên, đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp (đối với VĐV độ tuổi từ 22 đến 24), tôi cũng có nhiều kỳ vọng.

Ngoài thành tích trên, Triển Lạc và đồng đội còn giành huy chương Vàng ở hạng mục bơi tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam. Trước đó, nội dung này được đội tuyển Mỹ nắm giữ suốt 40 năm.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Ba bài Toán của tác giả Việt Nam được chọn vào đề thi Olympic quốc tếCó 3 bài Toán của các tác giả là người Việt Nam từng được chọn làm đề thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Trong đó bài của cố PGS Văn Như Cương được đánh giá thuộc diện khó và thú vị nhất.