Việt Nam sẽ có thêm 10 tuyến cáp quang biển mới, giảm nỗi lo đứt cáp
Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Theo đó, đến năm 2030, triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang trên biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps.
Triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.
Đồng thời triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt tối thiểu 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2035, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Data Center), các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tới siêu lớn (Hyperscale Cloud); kết nối đa dạng, an toàn, bền vững, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, tạo ưu thế và động lực đưa một số đô thị trở thành Digital Hub, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số…
Ảnh minh họa.
Dự kiến từ năm 2028 đến năm 2030: Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps; hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang đất liền quốc tế; duy trì kết nối tối đa 90% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 4 Digital Hub lớn lân cận trong khu vực châu Á; Duy trì kết nối dự phòng tối thiểu 10% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 2 Digital Hub lớn tại các khu vực châu Mỹ, châu Âu…
Về đảm bảo an toàn, bền vững hạ tầng cáp quang quốc tế: Đối với các tuyến cáp quang hướng ra vùng biển phía Nam, triển khai hài hòa các phương án: kết nối trực tiếp tới các Digital Hub, kết nối với các tuyến cáp quang biển theo mô hình Liên doanh (Consortium).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Phát triển hệ thống cáp quang quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế, đảm bảo an toàn cho mạng lưới Internet Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh.
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế nhưng các tuyến cáp thường xuyên gặp sự cố, khiến Internet của Việt Nam đi quốc tế nhiều thời điểm chậm, chập chờn.
Đáng chú ý hiện tại, 3/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đang gặp sự cố là: IA, APG và AAE-1.
Theo Cục Viễn thông, bên cạnh 2 tuyến cáp đất liền kết nối tới Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore có tổng dung lượng 5 Tbps, Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với tổng dung lượng đang sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps. Theo thống kê, trung bình mỗi năm xảy ra 15 sự cố cáp quang biển, với thời gian sửa chữa trước năm 2022 là khoảng từ 1 - 2 tháng/sự cố, và giai đoạn sau năm 2022 là từ 1 - 3 tháng mỗi sự cố. Vì thế, đã có thời điểm Việt Nam gặp sự cố trên cả 5 tuyến cáp quang biển đang sử dụng, gây mất khoảng 60% dung lượng kết nối Internet quốc tế trong gần 2 tháng.
Trúc Chi (t/h theo Quân Đội Nhân Dân, Tri Thức)