Người có tầm ảnh hưởng cần đưa ra dấu hiệu để biết nội dung đó là quảng cáo
Tại dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, đưa ra định nghĩa “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo nhằm giới thiệu, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo”.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO AccessTrade, với quy định như trên có thể thấy khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo đang quá rộng. Bởi với khái niệm được đưa ra thì các đơn vị phát triển và cung cấp nội dung cho một đối tượng người dùng Internet nhất định - nội dung đó thể hiện thông qua web, blog, và app (publishers), khi chạy quảng cáo như một công ty cung cấp dịch vụ (agency) cho các doanh nghiệp, cũng sẽ được xem như là người chuyển tải nội dung quảng cáo.
Về người chuyển tải quảng cáo có tầm ảnh hưởng, theo ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, vấn đề phát sinh ở đây là: Khi nào thì xem người ảnh hưởng đang đánh giá (review) sản phẩm hay quảng cáo cho nhãn hàng. Hiện nay, trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok xuất hiện rất nhiều người đánh giá sản phẩm (reviewer). Khi thấy một cửa hàng ăn ngon, một sản phẩm tốt, họ liền tiến hành đánh giá cho cộng đồng biết đến. Có nghĩa là họ chủ động làm chứ nhãn hàng hoàn toàn chưa đặt quảng cáo. Trừ các KOL (người ảnh hưởng), trên các mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều KOC (người tiêu dùng chủ chốt) tiến hành mua và đánh giá sản phẩm cho người dùng xem và gây ảnh hưởng đến các công ty làm dịch vụ quảng cáo cũng như thương mại điện tử rất nhiều.
“Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến việc quản lý người nổi tiếng phát ngôn và quảng cáo sản phẩm sai lệch. Bây giờ, KOC rất nhiều và rất khó phân biệt thế nào là KOL và KOC, bởi nhiều KOC có đến hàng triệu người theo dõi. Khi họ tiến hành livestream, có hàng trăm nghìn lượt người xem và thậm chí gây ảnh hưởng hơn cả người nổi tiếng. Đây là đối tượng mà Luật Quảng cáo sửa đổi cũng cần quan tâm”, ông Trương Gia Bảo cho biết.
Khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người thực hiện cần đưa ra dấu hiệu để nhận biết đó là nội dung quảng cáo. Ảnh: FPTShop
Vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã có công văn phúc đáp Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, đề nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” nhằm bổ sung hoàn thiện quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng, KOL, KOC, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Theo Bộ TT&TT, "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo, giới thiệu, khuyến nghị, chứng thực, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có thể nhận được tiền thù lao, tiền hoa hồng, sản phẩm, dịch vụ hoặc các hình thức tài trợ và quyền lợi thương mại khác từ việc quảng cáo.”
Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, theo đó “khi quảng cáo trên mạng xã hội, phải thực hiện phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo bằng cách tự đưa ra dấu hiệu, nội dung dễ nhận biết hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp.”
Cùng quan điểm, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO AccessTrade cũng cho rằng, việc phân biệt người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng đang đánh giá sản phẩm hay thực hiện quảng cáo có thể tham khảo luật của quốc tế. Chẳng hạn tại Mỹ, khi quảng cáo cho sản phẩm hay nhãn hàng trên mạng xã hội cho người tiêu dùng, những người có ảnh hưởng đều phải ghi rõ sản phẩm này có được tài trợ, có nhận tiền từ nhãn hàng để đánh giá hay không.