Trường điều tra thông tin học sinh 13 tuổi làm sếp công ty công nghệ
Đoạn video quay cảnh một giáo viên ở Trung Quốc hốt hoảng khi nghe một học sinh 13 tuổi trong lớp nói rằng cậu sở hữu một công ty công nghệ đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua.
Tuy nhiên, đoạn video cũng khiến cư dân mạng đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc trẻ em dưới 18 tuổi điều hành một công ty tại nước này, theo South China Morning Post.
Mặc dù video và phương tiện truyền thông không tiết lộ làm thế nào cậu thiếu niên này có thể điều hành một công ty khi vẫn còn đi học nhưng nhiều cư dân mạng đã nhanh chóng xin email để gửi CV. Ảnh: SCMP/Weibo
Cụ thể, video được giáo viên trung học ở TP Trùng Khánh đăng tải trên Douyin- nền tảng MXH Tiktok của Trung Quốc, trong đó cô giao bài tập về nhà yêu cầu học sinh viết tóm tắt về một người bạn cùng lớp mà họ coi là thành đạt và thành công.
Tuy nhiên, giáo viên đã rất ngạc nhiên khi một số học sinh chọn một người bạn cùng lớp và nói rằng em này đã điều hành một công ty, trang Red Star News đưa tin.
Trong video, cô giáo họ Bai hỏi cả lớp: “Tôi nghe nói một trong số các em là sếp sở hữu hẳn một công ty, là em nào vậy?". Tất cả học sinh đồng loạt quay lại nhìn một cậu thiếu niên đeo kính: "Cô ơi, chính là bạn ấy, bạn ấy là sếp Chen".
Cô Bai hỏi Chen đang điều hành công ty thuộc loại hình kinh doanh nào, nam sinh cười híp mắt trả lời công ty thuộc lĩnh vực IT, hiện có khoảng 5-6 nhân viên làm việc và được trả lương đầy đủ.
“Em thật xuất sắc làm sao!”, cô Bai thốt lên. Tuy nhiên, cuộc hội thoại không tiết lộ bối cảnh làm thế nào mà cậu thiếu niên này lại có thể điều hành một công ty có nhân viên được trả lương khi vẫn đang học cấp hai.
Video được cô Bai chia sẻ lên mạng xã hội thu hút hơn 26 triệu lượt xem trên Weibo và 10 triệu lượt xem trên Douyin. Nhiều dân mạng bất ngờ vì một học sinh THCS lại có thể điều hành công ty khi đang đi học.
“Em ấy bây giờ có thể đăng ký Kỷ lục Guinness Thế giới với tư cách là ông chủ trẻ nhất thế giới”, một người nói đùa.
“Khi khách hàng hỏi nhân viên: ‘Sếp của bạn ở đâu?’, nhân viên của em ấy phải trả lời: ‘Ông chủ sẽ đến sau khi tan học lúc 17h”, một người dí dỏm bình luận.
“Tôi đang tự hỏi liệu công ty của em ấy có vị trí tuyển dụng nào không vì tôi muốn nộp đơn xin việc ở đó", một người khác nói.
Đoạn video cũng gây ra tranh cãi ở Trung Quốc, nơi người đứng đầu hợp pháp của một doanh nghiệp phải ít nhất 18 tuổi. Ngôi trường nơi nam sinh này theo học nói rằng họ đang tiến hành điều tra trường hợp trên.
“Cậu ấy chắc chắn không phải là người đứng đầu hợp pháp của một công ty và em ấy không thể như vậy được. Chúng tôi vẫn đang cố gắng để có thêm thông tin chi tiết”, một phát ngôn viên của trường cho biết.
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông địa phương Trung Quốc đã đưa tin về một số sinh viên đại học đã bắt đầu kinh doanh riêng trong thời gian rảnh rỗi.
Vào tháng 3/2023, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tây Nam Trung Quốc tiết lộ trên mạng rằng anh đã kiếm được hơn 1 triệu NDT (hơn 3,3 tỷ đồng) nhờ bán đồ ăn nhẹ, sách cũ và nông sản trong suốt 4 năm học đại học.
Tử Huy
Nam sinh Hà Giang lọt đội tuyển Olympic Toán học quốc tế năm 2023
Hoàng Tuấn Dũng (quê Hà Giang) vừa lọt vào đội tuyển dự thi Olympic Toán học Quốc tế năm 2023.
Bé trai Việt Nam được Thủ tướng Canada gửi thư khen và chúc mừng sinh nhật
Trong lá thư gửi Nguyễn Thế Bảo (Henry Nguyễn, 9 tuổi, đang định cư tại Canada) Thủ tướng Justin Trudeau khen ngợi Bảo và những nỗ lực hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững của cháu.
Tuổi thơ từng bị trêu chọc vì cái tên của thủ khoa trường Nhân văn Hà Nội
Gen Z này không chỉ nổi bật với khả năng nói thành thạo tiếng Hàn như người bản địa, đạt GPA 3.80, giành nhiều loại học bổng hay trở thành thủ khoa đầu ra 2023, em còn gây ấn tượng với cái tên của mình.