VN Ngày Nay
Ít được để tâm, bạo lực học đường về tinh thần đang dẫn đến hậu quả Thanh Hùng Nhà báo Xem các bài viết của tác giả Sao chép liên kết
28-11-2022 06:15 vietnamnet.vn / Xem trang gốc

Thời gian qua xảy ra một số vụ học sinh tự tử, mà không ít trong đó xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng hay xích mích với bạn bè. Có thể thấy, bạo lực học đường về tinh thần đang dẫn đến những hậu quả.

Để có cái nhìn cụ thể hơn và giải pháp hạn chế vấn đề này, VietNamNet trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Bắt nạt tinh thần gây đau đớn

Thưa ông, bạo lực học đường về tinh thần hiện nay cần được nhìn nhận gồm những vấn đề nào?

Khi nói đến bắt nạt, chúng ta thường hay nghĩ đến các hình thức bắt nạt thân thể như đánh, đấm, tát... mà thường không để tâm tới các hình thức bắt nạt tinh thần như tạo tin đồn, tẩy chay hay miệt thị…

Thực tế, bắt nạt tinh thần để lại những hậu quả nghiêm trọng, có thể là những tổn thương tâm lý sâu sắc cho nạn nhân. Phần lớn học sinh bị bắt nạt không biết cách ứng phó, không nói với cha mẹ, thầy cô để tìm cách ngăn chặn. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều em bị căng thẳng, trầm cảm, thậm chí giải tỏa bằng cách tự làm thân thể mình chảy máu, nhịn ăn…

Tôi từng gặp trường hợp nữ sinh bị chê ngoại hình béo mập, xấu xí đã nhịn ăn, hay móc họng để nôn thức ăn ra sau ăn khi đọc những bình phẩm của các bạn trên mạng. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu và còn nghĩ đến việc sẽ chết thế nào. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và đưa đến bác sĩ tâm lý điều trị.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: Thanh Hùng

Tuy nhiên, có những em khác không được phát hiện sớm và hỗ trợ tâm lý kịp thời. Các em có thể bắt đầu bằng việc tự cắt tay, tự gây hại cho bản thân và thậm chí là tự sát để thoát khỏi việc bắt nạt.

Bắt nạt tinh thần có thể nói cũng gây ra những đau đớn không kém bắt nạt thể chất. Vì vậy, đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm với sự chung tay của cả gia đình và nhà trường.

Khuyến khích con tâm sự với bố mẹ

Bạo lực tinh thần được nhận diện qua các hành động nào, thưa ông?

Có thể kể đến một số hình thức bắt nạt tinh thần phổ biến trong giới học sinh hiện nay, xảy ra ở cả môi trường thực và trực tuyến. Đó là:

Quấy rối - Con nhận được thông điệp công kích, thô lỗ; tin nhắn xúc phạm hay để bạo hành, lạm dụng; nhận những bình luận, bức hình gây khó chịu hay xấu hổ một cách trực tiếp hoặc trên các diễn đàn.

Phỉ báng: Con bị người khác đưa ra các thông tin giả mạo, gây tổn hại và không đúng sự thật về mình trên môi trường thực; hoặc chia sẻ hình ảnh với mục đích chế giễu, lan truyền các tin đồn và lời thị phi không đúng sự thật trên mạng.

Khiêu khích: Con bị người khác cố tình sử dụng ngôn ngữ công kích và tiến hành các cuộc chiến tranh luận trên thực tế hoặc môi trường mạng.

Mạo danh: Con bị ai đó đột nhập vào tài khoản email hoặc mạng xã hội và sử dụng danh tính trên mạng đó để gửi hay đăng các tin khiêu dâm phóng đãng, hoặc các tài liệu (bài viết, hình ảnh, đoạn ghi âm, clip,…) khiến xấu hổ.

Tẩy chay, cô lập: Con bị ai đó hoặc một nhóm cố ý loại bỏ khỏi tập thể (bao gồm cả các tập thể trên thực tế và các nhóm trên mạng).

Phát tán và lừa đảo: Con bị ai đó dùng thủ đoạn lấy được thông tin riêng tư rồi công khai hoặc chuyển cho người khác hoặc tận dụng nó để lừa đảo người thân, bạn bè.

Rình rập trên mạng: Con bị người khác gửi các thông điệp, tin nhắn đe dọa làm tổn thương hoặc ảnh hưởng đến an toàn của bản thân.

Những nguyên nhân chính nào khiến học sinh bị bắt nạt và bắt nạt tinh thần nói riêng?

Chúng tôi từng phỏng vấn các học sinh và phân loại các nguyên nhân theo mức độ phổ biến. Lý do bị bắt nạt tinh thần đến từ việc các bạn không thích con; các bạn chơi với nhau, con không trong nhóm nên bị hùa vào bắt nạt; ngoại hình của con; con không có kỹ năng để xử lý tình huống trong thực tế hoặc trên mạng phù hợp; do các bạn bắt nạt muốn thể hiện, thu hút sự chú ý của người khác; người bắt nạt muốn gây áp lực với trẻ để bắt làm theo ý muốn...

Có thể nói nạn nhân của bắt nạt nói chung thường là những trẻ rụt rè, thiếu tự tin, hay lo lắng, hoặc có đặc điểm thể chất yếu, có điểm khác biệt so với học sinh khác; thiếu kỹ năng và ít được chấp nhận bởi bạn bè; những trẻ được bố mẹ quá bao bọc.

Thầy cô, gia đình có thể phát hiện, phòng ngừa việc trẻ bị bắt nạt tinh thần bằng cách nào, thưa ông?

Thầy cô, cha mẹ có thể nhận ra các dấu hiệu con bị bắt nạt tinh thần với các biểu hiện mệt mỏi, mất hứng thú học tập; thường xuyên đến trường muộn; lịch sinh hoạt, ăn ngủ thay đổi thất thường; khóc một mình; có cơn ác mộng; né tránh tình huống xã hội; tự gây hại hoặc nói về việc tự sát.

Thầy cô, cha mẹ phải nói với con trẻ về cách thức ứng xử khi trở thành nạn nhân hay chứng kiến ai đó bị bắt nạt. Khuyến khích con hành xử theo cách ủng hộ việc dừng hành vi bắt nạt lại. Giúp con hiểu và cam kết không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để a dua theo nhóm bạn. Khuyến khích con tâm sự về nguy cơ bắt nạt với cha mẹ.

Ở trên lớp, thầy cô làm mẫu hành vi ứng xử phù hợp và thân thiện trong lớp học. Luôn khen thưởng, củng cố các giá trị về công bằng và yêu thương. Cung cấp kiến thức cho học sinh về bắt nạt và những chiến lược ứng phó cụ thể (không né tránh, coi như không có chuyện gì xảy ra). Cách tốt nhất là đứng lên thể hiện thái độ với hành vi bắt nạt, báo cáo và tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Cha nữ sinh Huế đau đớn nghĩ đến lý do con nhảy sôngSau hơn nửa ngày tìm kiếm nữ sinh lớp 9 ở Huế nhảy sông Bồ mất tích, lực lượng chức năng và gia đình vẫn chưa tìm thấy tung tích nạn nhân.