Hiểu để yêu cái đẹp
Trong số các tư duy nhận thức thì có lẽ tư duy về thẩm mỹ là khó thay đổi nhất và nhận thức thẩm mỹ muốn được giáo dục cho tốt, cần phải được thực hiện từ tấm bé
Rất nhiều lần, tôi giới thiệu các nhóm sinh viên của mình đi thực tế. Sau đó, người của công ty nghiêm khắc phản hồi lại: "Cô nên nhắc nhở các em ăn mặc cho đẹp hơn. Bởi vì sự kiện của công ty thường diễn ra tại các khách sạn 5 sao, có sự tham dự của nhiều quan khách quốc tế. Nếu không, lần sau chúng tôi buộc phải đình chỉ việc thực tập này". Trò cũng phàn nàn rằng: "Họ bảo chúng em phải mặc váy công sở nhưng chúng em không biết phải chuẩn bị trang phục như thế nào cho vừa ý họ".
Tôi cũng băn khoăn: Liệu khi đã mua một bộ váy công sở rồi thì các em có được công nhận là "ăn mặc đẹp" hay không? Liệu một chiếc váy có thể giải quyết tận gốc vấn đề hay chỉ tạo ra một quan niệm nhầm lẫn đối với các em rằng "váy thì đẹp còn quần thì không đẹp". Hơn nữa, đẹp hay không đẹp là một khái niệm phức tạp, nhạy cảm và tế nhị. Nếu diễn giải không khéo còn gây ra sự hiểu lầm. Các trò của tôi nếu bị chê không "mặc đẹp" thì đó đâu phải là lỗi của các em. Là lỗi của giáo dục, của văn hóa đấy chứ. Trong số các tư duy nhận thức thì có lẽ tư duy về thẩm mỹ là khó thay đổi nhất và nhận thức thẩm mỹ muốn được giáo dục cho tốt, cần phải được thực hiện từ tấm bé.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Tư duy thẩm mỹ không chỉ thể hiện ở mặt thị giác mà còn là hệ mỹ học liên quan đến mọi lĩnh vực nghệ thuật. Sự cảm thụ chính xác về âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, văn học, ẩm thực… sẽ tạo cho người ta một mỹ cảm tốt có thể làm nền tảng cho suốt cuộc đời. Vì thế, các trường học ở phương Tây vô cùng chú trọng đến những hoạt động ngoại khóa như tham quan viện bảo tàng nghệ thuật, cho học sinh tự làm phim, khuyến khích các em thành lập ban nhạc, tổ chức các cuộc thi điêu khắc, thiết kế, sáng tác văn học, khiêu vũ… Các em cũng được đăng ký theo học bộ môn nghệ thuật mà mình thích. Chúng ta hầu như đã bỏ trắng phần này trong giáo dục nhà trường.
Chúng ta vẫn ghi rõ trong mục tiêu của ngành giáo dục là giáo dục toàn diện văn - thể - mỹ. Nhưng toàn bộ phần giáo dục về tư duy thẩm mỹ cho học sinh chỉ gói gọn 1-2 tiết/tuần ở việc trang trí đường diềm, vẽ tả thực cái phích, con gà trống... Chưa kể, hầu hết giáo viên mỹ thuật cũng chỉ vẽ mẫu để các em sao chép rồi chấm điểm, không hề có những giáo cụ trực quan sinh động để học sinh nhận thức được rằng màu X mà phối với màu Y sẽ cho ra một kết quả kinh khủng như thế nào về mặt thẩm mỹ.
Để hình thành nên nhận thức và tư duy về thẩm mỹ, không còn cách nào khác là phải thường xuyên tiếp xúc với cái đẹp, bước tiếp theo mới là trực tiếp sáng tạo nên cái đẹp. Nhà trường đã vậy, gia đình cũng không quá coi trọng việc giáo dục tư duy mỹ học cho trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra khó chịu khi thấy con em mình muốn ăn mặc đẹp. Quần áo đẹp đồng nghĩa với đua đòi, a dua, lười học. Những đứa trẻ biết vâng lời từ nhỏ lâu dần bị triệt tiêu toàn diện về tư duy thẩm mỹ, cũng tin vào chân lý "phải xấu" này.
Ngày nay, các công ty đa quốc gia yêu cầu cả chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) và CQ (chỉ số sáng tạo) từ ứng viên, không chỉ đơn thuần là IQ (chỉ số thông minh) như trước kia nữa. Thế hệ trẻ cần phải được hướng dẫn và rèn luyện như thế nào để có chỉ số tổng hợp IQ - EQ - CQ cao, đáp ứng yêu cầu của những công việc hoàn toàn mới và nhanh chóng thích nghi với một thế giới hội nhập đang thay đổi từng ngày.
Nhiều lúc ta cứ băn khoăn rằng tại sao ta làm gì thấy cũng xâu xấu. Từ những sản phẩm vĩ mô như chiếc xe diễu hành nhân dịp đại lễ nào đó; những con rồng, con hổ, chuột khổng lồ được dựng giữa thành phố; rồi kiến trúc không gian đô thị, sân khấu trong trường quay truyền hình cho đến những tiểu tiết như bộ đồng phục của học sinh và công chức; từ những sản phẩm văn hóa tinh thần đại trà cho đến những sản phẩm vật chất tiêu dùng hằng ngày; từ thiết kế biển, bảng, biểu ngữ cho đến cách trình bày văn bản vẫn nguyên xi như mấy chục năm trước. Cả cách phối màu, hình dáng và bố cục đều thế nào ấy, hình thành nên một tổng thể xâu xấu rất khó gọi tên. Thậm chí, phục trang của người nổi tiếng xuất hiện trước truyền thông đại chúng đôi khi cũng thấy kỳ kỳ. Chuyện một nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, xấu xí tại một sự kiện quan trọng là không phải hiếm.