VN Ngày Nay
Giá đắt cho xung đột Nga-Ukraine
27-09-2022 06:00 nguoiduatin.vn / Xem trang gốc

Tác động của cuộc xung đột được cảm nhận rõ thông qua sự leo thang của giá cả năng lượng, dẫn đến nhiều hệ lụy và nguy cơ suy thoái ở châu Âu và Đức.

Nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn so với dự báo trước đó vào năm tới do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết hôm 26/9.

Trong một báo cáo ảm đạm có tiêu đề “Trả giá cho chiến tranh”, tổ chức có trụ sở tại Paris lưu ý rằng cuộc xung đột đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát khi chi phí sinh hoạt vốn đã tăng nhanh chóng.

Xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,8 nghìn tỷ USD do sản lượng bị mất vào cuối năm tới – và thậm chí thiệt hại còn nhiều hơn thế nếu một mùa đông khắc nghiệt dẫn đến việc phân bổ năng lượng ở châu Âu, OECD lưu ý.

Ước tính của tổ chức nghiên cứu này cho thấy mức độ ảnh hưởng của hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, nay đã vượt qua mốc 7 tháng.

Tác động của xung đột được cảm nhận rõ thông qua việc giá năng lượng tăng làm suy yếu chi tiêu hộ gia đình và giảm niềm tin kinh doanh, đặc biệt là ở châu Âu, sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác và làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu.

Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng lệnh tổng động viên một phần của Nga và kết quả các cuộc “trưng cầu dân ý” về gia nhập Liên bang Nga có thể kéo dài cuộc xung đột thêm nhiều tháng, có thể là nhiều năm, tiếp tục thổi bùng lên sự bất ổn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Đường ống tại một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Rehden, Đức. Ảnh: Bloomberg

“Chúng ta đang phải trả một cái giá rất đắt cho cuộc chiến”, ông Álvaro Santos Pereira, quyền kinh tế trưởng của OECD cho biết.

Trong dự báo mới nhất của mình, OECD cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,2% trong năm tới. Trước khi xung đột bùng phát, tổ chức này đã dự kiến tăng trưởng 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023.

Sự khác biệt giữa 2 ước tính đó có nghĩa là cuộc chiến và hậu quả của nó sẽ khiến thế giới phải trả giá tương đương với sản lượng kinh tế mà toàn bộ nền kinh tế Pháp tạo ra trong 2 năm đó.

Ngoài ra, các đợt bùng phát Covid-19 vẫn đang có tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong khi tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng khi các Ngân hàng Trung ương vật lộn để hạ nhiệt giá cả, OECD cho biết.

Suy thoái ở Châu Âu và Đức

OECD dự kiến nền kinh tế Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% vào năm 2023, trong đó nền kinh tế của Đức dự kiến sẽ giảm 0,7%. Khi công bố dự báo gần đây nhất vào tháng 6, OECD đã dự kiến sẽ trông thấy mức tăng trưởng 1,6% ở Eurozone và 1,7% ở Đức.

OECD cảnh báo rằng nền kinh tế châu Âu có thể bị suy thoái mạnh hơn nữa nếu giá năng lượng lại tăng hơn nữa. Nếu giá khí đốt tự nhiên tăng 50% trong thời gian còn lại của năm, sản lượng kinh tế châu Âu có thể thấp hơn 1,3% vào năm 2023, trong khi kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 1,7%.

“Châu Âu sẽ suy thoái”, ông Pereira nhận định.

Vị chuyên gia này giải thích, mức giá năng lượng tăng vọt hơn nữa có thể phát sinh nếu châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông tới, do nhiệt độ đặc biệt thấp. Để giảm nguy cơ đó, OECD ước tính rằng mức tiêu thụ năng lượng ở châu lục này sẽ cần giảm 10-15% so với những năm gần đây.

“Điều quan trọng không chỉ là tập trung vào nguồn cung. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nhu cầu giảm trong vài tháng tới”, ông Pereira khuyến nghị.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đã chi hàng tỷ Euro để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chống chọi với sự gia tăng của chi phí năng lượng. Một số trợ giúp được triển khai dưới dạng giới hạn về giá năng lượng. Nhưng những giới hạn đó làm suy yếu động lực để các hộ gia đình cắt giảm tiêu dùng.

“Giới hạn giá có thể hấp dẫn trong ngắn hạn, nhưng biện pháp này đắt đỏ và làm sai lệch tín hiệu giá”, ông Pereira nói. “Nếu bạn muốn tiết kiệm năng lượng, giá cao hơn có nghĩa là tiêu thụ ít hơn”.

Chi phí hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đang đẩy các khoản nợ chính phủ lên cao hơn, và điều đó đã dẫn đến việc gia tăng chi phí vay vốn, điều có thể làm suy yếu hơn nữa tăng trưởng.

Để tránh nợ nần tăng thêm, OECD cho rằng sự trợ giúp nên được nhắm vào các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Người xếp hàng nhận đồ ăn miễn phí tại tổ chức phi lợi nhuận Pane Quotidiano Onlus ở Milan, Italy, ngày 31/8/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Ngoài việc điều chỉnh giảm các dự báo cho kinh tế toàn cầu, OECD cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 xuống 0,5% so với 1,2% trước đó, nhưng cho biết Mỹ có khả năng chứng kiến sự giảm tốc mạnh hơn nếu lạm phát không giảm nhanh như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng.

OECD dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi một cách khiêm tốn vào năm 2023 từ mức tăng trưởng chậm chạp vào năm 2022, phản ánh các đợt phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Vào tháng 6, OECD dự báo Trung Quốc tăng trưởng 4,4% vào năm 2022, nhưng hiện tại dự báo chỉ là 3,2%. Đối với năm 2023, tổ chức này dự báo nền kinh tế số 2 thế giới sẽ tăng trưởng 4,7%.

Minh Đức (Theo Wall Street Journal, France24)