VN Ngày Nay
Nghệ An: Nhiều giáo viên nghỉ việc vì vay nợ FE Credit - Báo Giáo dục và Thời đại Online
23-05-2022 23:59 giaoducthoidai.vn / Xem trang gốc

GD&TĐ - Nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường thuộc Nghệ An bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi nợ kiểu dọa giết, bắt cóc.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Chị L.H., nguyên là giáo viên Trường Mầm non Quang Trung 1 (TP Vinh, Nghệ An) đã phải xin nghỉ việc do liên tục bị gọi điện quấy rối, đe dọa.

Có giáo viên phải làm đơn xin nghỉ việc để “giải thoát” cho nhà trường, đồng nghiệp và người thân quen.

Giáo viên bị đòi nợ đến mức xin nghỉ việc

Chị L.H. (30 tuổi, trú TP Vinh) từng là giáo viên trường mầm non công lập trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, chị đã quyết định xin nghỉ việc do liên tục bị đòi khoản nợ đã thanh toán hết.

Theo chị H., kể lại, năm 2014, chị có vay tín chấp của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hay còn gọi là FE Credit, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) số tiền 15 triệu đồng để sửa nhà.

Theo hợp đồng, khoản nợ này sẽ được trả trong vòng 24 tháng, nhưng sau 12 tháng chị đã trả hết. Đến năm 2017, chị H. bỗng dưng nhận nhiều cuộc điện thoại thông báo mình còn nợ FE Credit 6 triệu đồng.

Cho rằng mình đã tất toán, chị H. đề nghị những người này đến làm việc trực tiếp mà không ai đến gặp. Nhưng kể từ đó, chị và người thân liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đòi nợ, đe dọa.

“Chúng quấy phá gia đình tôi suốt 5 năm nay. Ban đầu thông báo khoản nợ còn 6 triệu đồng, rồi lên 10 triệu đồng và gần đây nhất là 100 triệu đồng. Tôi chỉ có 1 khoản vay của FE Credit và đã trả hết, ngoài ra không có nợ xấu nào.

Trong khi tôi yêu cầu gặp trực tiếp thì không ai đến. Tôi cũng đã làm việc với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Nghệ An và họ xác nhận khoản nợ của tôi đã được trả từ lâu rồi”, chị H. cho hay.

Theo chị H., không chỉ riêng bản thân và gia đình, mà bạn bè, người quen, đặc biệt là đồng nghiệp, lãnh đạo ngành Giáo dục cũng liên tục bị gọi điện làm phiền, vu khống chị nợ không trả.

Từ khi chị đang là giáo viên tại Trường Mầm non Trường Thi, đến khi chuyển về Mầm non Quang Trung 1, thì đồng nghiệp ở cả 2 cơ quan đều bị vạ lây. “Có lần tôi bị gọi điện dọa giết, bắt cóc con cái, khủng khiếp lắm”.

Chị H. cho biết thêm, những kẻ đòi nợ còn bình luận trên mạng xã hội, vu khống cô đánh đập trẻ với Phòng GD&ĐT TP Vinh, dù thời điểm đó bậc mầm non trên địa bàn chưa dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cô Lê Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung 1 - cho biết, cô mới nhận công tác tại trường từ đầu năm 2022 nhưng nhận nhiều cuộc điện thoại đe dọa vì cho rằng bao che cho cô H. nợ không trả. Chưa kể hình ảnh của con trai cô cũng bị cắt ghép đăng tải trên mạng xã hội.

Sau 5 năm chịu đựng bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố”, chị H. quyết định xin nghỉ việc. “Dù tôi không nợ tiền ai, nhưng chúng quấy phá lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, quá áp lực và áy náy tôi đành nghỉ việc, đổi số điện thoại. Tôi hy vọng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý nghiêm những kẻ này”.

Tương tự, tại Trường Mầm non Hưng Chính (TP Vinh), mới đây cô L.T.G. cũng đã phải xin nghỉ việc dù đã gắn bó với nghề 13 năm. Cô G. cho hay có vay tín chấp của FE Credit 40 triệu đồng và đã trả được 1 nửa.

Nhưng sau đó cô gặp khó khăn kinh tế, khoản nợ còn lại bị quá hạn thanh toán. Từ đó, cô bị nhiều cuộc điện thoại đòi nợ, đe dọa giết cả nhà, bắt cóc con cái… Những người này còn gọi cho ban giám hiệu, giáo viên trong trường nơi cô G. công tác.

Cô Lê Kim Liên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Chính - thông tin, bản thân cô Liên và mẹ ruột của mình bị những kẻ đòi nợ dùng ảnh để xúc phạm, trên mạng xã hội Facebook. Vụ việc sau đó đã được nhà trường trình báo tới công an phường.

Đến tháng 2 năm nay, sau gần 1 năm bị đòi nợ theo kiểu trên, cô L.T.G. làm đơn xin nghỉ việc để “giải thoát” cho nhà trường, đồng nghiệp. Sau đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Chính phải đăng thông tin cô G. nghỉ việc, không còn đi dạy nữa lên Facebook, thì toàn bộ giáo viên, ban giám hiệu mới không bị quấy rối.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Tin nhắn gửi đến lãnh đạo trường học gây áp lực giáo viên “trả nợ”.

Không để xảy ra sự việc đáng tiếc

Hai tháng nay, thầy Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành, Nghệ An) phải liên tục giải thích với bạn bè, đồng nghiệp và người thân rằng không có chuyện vay nợ chưa trả.

Nguyên nhân một nam giáo viên trong trường tên L.X.L. vay tín chấp của FE Credit nhưng đến kỳ thanh toán chưa trả được. “Ban đầu, họ nói thầy L. đang nợ họ một khoản tiền, yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo thầy L. trả ngay.

Sau khi tôi trả lời việc nợ nần cá nhân giáo viên không liên quan nhà trường, cứ theo quy định pháp luật mà xử lý, thì họ liên tục gọi điện quấy rầy, đe dọa bất kể giờ giấc với nhiều số điện thoại.

Có lần thì xưng là nhân viên FE Credit, nhưng cũng có lần chẳng xưng gì, chỉ cần thấy mở máy là chửi bới với lời lẽ tục tĩu. Tôi là hiệu trưởng, số lạ cũng phải nghe máy vì biết đâu học sinh, phụ huynh có việc phản ánh…”, thầy Giáp cho hay.

Theo thầy Giáp, có thể mục đích của những người này là gây áp lực cho Hiệu trưởng để yêu cầu thầy L. trả nợ cho họ. Không riêng Trường THPT Yên Thành 2, mà ban giám hiệu, mà giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành) – nơi vợ thầy L. công tác cũng bị gọi điện nhắc đòi nợ.

Theo thầy L.X.L. thông tin, năm 2018, thầy có vay tín chấp của FE Credit khoản tiền 32 triệu đồng, được phép trả nợ theo từng kỳ. Thầy đã trả 15 kỳ đúng hạn, với khoảng 22 triệu đồng nhưng khoản nợ tiếp theo quá hạn thanh toán.

Khi nhân viên của FE Credit gọi thì thầy L. đang trong giờ lên lớp không nghe máy. Vậy là gần 2 tháng nay, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của vợ chồng thầy bị gọi điện quấy rối, đe dọa.

Thầy L. cho hay, bản thân rất áy náy vì chuyện cá nhân khiến những người xung quanh liên lụy, bị xúc phạm. Thầy cho rằng, “nếu bị quá hạn nợ, thì ngân hàng có thể xử phạt theo quy định hợp đồng, chứ đòi nợ kiểu này không được”.

Đến ngày 17/5, thầy L. đã tới Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Nghệ An ở TP Vinh để trả khoản nợ còn lại, với số tiền gần 28 triệu đồng. Tính tổng cộng, khoản nợ 32 triệu sau gần 4 năm đã lên tới 50 triệu đồng. Sau đó, những người thân quen của thầy L. mới ngừng bị quấy rối.

Trường hợp cô L.T.D. – giáo viên Trường Mầm non Tam Hợp (Tương Dương) lại oái oăm hơn, khi hiệu trưởng, đồng nghiệp bị tấn công với cách thức tương tự, dù cô không có khoản nợ nào.

“Từ trước tới nay tôi không vay của công ty, tổ chức nào hết. Nhưng không hiểu sao những kẻ đòi nợ lại biết số điện thoại của người thân quen trong gia đình, nhà trường để gọi điện đe dọa, yêu cầu tôi trả nợ. Kể cả bạn bè ở miền Nam ít khi liên lạc cũng bị chúng gọi và bêu xấu tôi nợ tiền. Khi tôi hỏi lại nợ ai, nợ bao nhiêu thì họ lại không nói”, cô D. kể.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cùng hiệu trưởng, giáo viên bị cắt ghép đăng lên mạng xã hội với nội dung bao che giáo viên “giật nợ”.

Những kẻ đòi nợ còn lên mạng xã hội lấy hình ảnh của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp và một số đồng nghiệp khác đăng lên mạng xã hội với nội dung “bao che cho cô D. giựt nợ”.

“Tôi chưa bao giờ phải lâm vào tình cảnh như thế, và rơi vào khủng hoảng tâm lý vô cùng”, cô D. cho hay. Sự việc sau đó cũng đã được trình báo lên Công an xã Tam Hợp nhưng chưa có kết quả.

Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, cho hay: “Qua nắm thông tin, trên địa bàn huyện có một số giáo viên bị cho là vay nợ tín dụng của FE Credit. Lãnh đạo nhà trường, các giáo viên khác tại đó và ngay bản thân tôi cũng bị gọi điện thoại quấy rối.

Phòng đã chỉ đạo các nhà trường nếu gặp trường hợp này thì xác minh có giáo viên nào vay nợ hay không. Nếu có thì cùng nhau hỗ trợ, có biện pháp giúp giáo viên đó trả nợ.

Còn nếu không thì báo sự việc đến cơ quan chức năng. Không để xảy ra sự việc đáng tiếc, giáo viên bị đòi nợ, đe dọa dẫn đến áp lực tâm lý, xin nghỉ việc. Đến nay, trên địa bàn chưa có giáo viên nào bị ảnh hưởng công tác bởi tình trạng trên”.